Nói như Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus, Thế vận hội vẫn được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được, với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp!

Tỷ lệ tiêm hai mũi vaccine của hơn 200 đoàn dự Olympic Tokyo là 100%, song ông Tedros đã dẫn câu tục ngữ Nhật Bản, “ishibashi o tataite wataru - hãy gõ vào một cây cầu đá trước khi băng qua nó”, để khẳng định rằng mặc dù một thứ gì đó có vẻ an toàn, nhưng vẫn cần xem xét cẩn trọng. Trong hai tuần Olympic, hàng chục VĐV trong Làng Olympic đã nhiễm bệnh. Tháo gỡ nút thắt này, Ban Tổ chức thông báo các VĐV dương tính với virus SARS-CoV-2 vẫn có thể thi đấu nếu họ đáp ứng một số điều kiện nhất định. Thành công về mặt y tế chính là đảm bảo trong bất kỳ trường hợp nào được xác định, chăm sóc càng nhanh càng tốt, và cắt đứt quá trình lây lan.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu, phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới, tạo ra sự thúc đẩy lớn trên toàn cầu để tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9 tới, tăng lên 40% vào cuối năm nay và đạt 70% vào giữa năm sau. Đạt được những mục tiêu đó, chúng ta không chỉ có thể chấm dứt đại dịch mà còn có thể khởi động lại nền kinh tế toàn cầu.

“Chắc hẳn mọi người trên thế giới đều băn khoăn: Khi nào thì đại dịch này sẽ kết thúc? Câu trả lời rất đơn giản: Covid-19 sẽ kết thúc khi thế giới quyết định kết thúc nó. Không ai trong chúng ta được an toàn, cho đến khi tất cả chúng ta đều an toàn. Olympic đưa các quốc gia trên thế giới đến với nhau trong các cuộc tranh tài, khi các vận động viên cố gắng cùng nhau thực hiện phương châm của Olympic là nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn. Phương châm đó cũng được áp dụng tương tự trong cuộc đấu tranh của chúng ta chống lại cuộc khủng hoảng đang xác định trong thời đại của chúng ta: Chúng ta phải nhanh hơn trong việc phân phối vaccine trên toàn thế giới. Chúng ta phải đặt mục tiêu cao hơn - tiêm chủng cho 70% dân số của tất cả các quốc gia vào giữa năm sau. Và chúng ta phải đoàn kết, cùng nhau kết thúc dịch bệnh” - Ông Tedros khẳng định, Olympic là thông điệp ý nghĩa để thế giới đoàn kết chiến thắng dịch bệnh.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử 125 năm, Olympic hiện đại vẫn luôn luôn khẳng định được những mục tiêu tốt đẹp, đó là góp phần xây dựng một thế giới hoà bình, đoàn kết. Trong cuộc chiến chống dịch bệnh, sự đoàn kết càng trở nên ý nghĩa hơn bão giờ hết.

“Tại Olympic, tất cả mọi người đều bình đẳng bất kể chủng tộc, quốc gia xuất xứ, giới tính, khuynh hướng tình dục, địa vị xã hội, tôn giáo... Chúng ta chỉ có thể đạt được sứ mệnh hòa bình của mình thông qua sự đoàn kết. Không có hòa bình nếu không có sự đoàn kết. Đại dịch Covid-19 đã mang đến bài học: Chúng ta cần đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết hơn trong một xã hội và đoàn kết hơn giữa các xã hội. Đoàn kết nghĩa là tích cực giúp đỡ, chia sẻ và quan tâm lẫn nhau. Đây là những gì chúng tôi đang làm trong khuôn khổ Olympic” - Ông Thomas Bach, Chủ tịch Uy ban Olympic Quốc tế nêu rõ.

Thế vận hội có sức mạnh truyền cảm hứng để mang cả thế giới lại với nhau. Kỳ Olympic đặc biệt đã khép lại đầy tự hào ở đất nước mọc trời mọc. Và chúng ta cùng cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một “bình minh mới”, cho một thế giới “khỏe mạnh” hơn.