Trong cuộc trao đổi đầu năm mới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao cũng chia sẻ về hành trình "biến điều không thể thành có thể" tại SEA Games 31, cũng như đưa ra những phân tích liên quan đến hai đấu trường quan trọng của năm 2023, đó là SEA Games 32 ở Campuchia và ASIAD 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

2022 – Bừng sáng dấu ấn SEA Games 31!

PV: Nhìn lại thành tựu của Thể thao nước ta trong năm 2022, nổi bật hơn cả chính là thành công trên nhiều phương diện của SEA Games 31. Trước tiên, Đoàn Thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc để lập nên cột mốc kỷ lục hơn 200 HCV. Bên cạnh đó, SEA Games 31 được tổ chức thành công còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Thưa ông Trần Đức Phấn, để có được thành công rực rỡ như vậy thì Ban tổ chức SEA Games 31 chắc hẳn cũng đã phải giải quyết nhiều bài toán về kinh phí, về những trở ngại bởi dịch bệnh Covid-19, và hàng loạt khó khăn khác nữa?

Ông Trần Đức Phấn: SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam thì tôi có thể nói một câu đánh giá của các bạn nước ngoài trong cuộc họp trường đoàn lúc chúng ta đang tổ chức SEA Games, họ nói là chúng ta biến cái không thể thành cái có thể. Và họ rất là ngạc nhiên khi Việt Nam tổ chức được SEA Games 31 vừa rồi, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh rất là căng thẳng, nhưng chúng ta bằng mọi giải pháp, kể cả giải pháp về mặt chuyên môn, về mặt lực lượng, thì chúng ta đều có giải pháp cụ thể và tổ chức được một kỳ SEA Games thành công. Kỳ SEA Games này thì nhiều người không nghĩ rằng lại có thể thành công được như vậy. Bên cạnh thành công thì cũng còn mặt hạn chế, những khó khăn, do dịch bệnh, nhiều nội dung mà chúng ta tiến hành tổ chức, tuy nhiên về tổng thể thì chúng ta được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Và trong hai cuộc họp trường đoàn để chuẩn bị cho SEA Games 32 tại Campuchia, trong báo cáo về tổ chức SEA Games 31 của Việt Nam tại hội nghị, một lần nữa các quan chức trong khu vực Đông Nam Á cũng đã rất cảm ơn Việt Nam đã tổ chức thành công một kỳ SEA Games trong bối cảnh dịch bệnh, tưởng chừng như không thể tổ chức được.

PV: Như ông chia sẻ thì chúng ta đã biến cái không thể thành có thể. Vậy thì quá trình tổ chức SEA Games 31 thì sao, từ lễ khai mạc đến ngày bế mạc, điều mà ông băn khoăn nhất là gì? Và khi nào thì ông có thể thở phào nhẹ nhõm?

Ông Trần Đức Phấn: Điều mà chúng tôi cảm thấy khó khăn nhất tức là không triển khai được các nhiệm vụ. Vì sao? Vì là dịch bệnh nên là người đang làm ngày hôm nay thì ngày mai lại cách ly ở nhà, và toàn là những bộ phận chủ chốt. Trong khi đó để triển khai các nhiệm vụ thì phải có kinh phí kịp thời, thì do dịch bệnh cho nên đều bị trì hoãn tất cả. Trên cơ sở như vậy thì chúng ta trong quá trình tổ chức triển khai, nói cụ thể thì chúng ta chỉ còn hơn 3 tháng để chuẩn bị tổ chức một kỳ SEA Games. Có nghĩa là nó trọn vẹn khi chúng ta mở cửa du lịch, cho nên việc đó càng trở nên khó khăn với những người làm công tác tổ chức như chúng tôi. Một mình cá nhân tôi thì được giao 3 nhiệm vụ, một là công tác tổ chức, hai là công tác quản lý và vận hành tài chính, ba là thành tích của đoàn thể thao Việt Nam. Và trong bối cảnh như vậy thì phải nói thật là một cái sự kiện, một Đại hội mà nhiều lúc chúng tôi cảm thấy không có lối ra. Nhưng mà tôi đã nói ban đầu, chúng ta biến cái không thể thành có thể. Mà một điều rất là với kỳ SEA Games vừa rồi là chúng ta chuẩn bị rất nhiều kit test để dành cho các HLV, VĐV, trọng tài, các lực lượng tham dự, nhưng cho đến giờ phút cuối cùng thì số lượng người nhiễm Covid-19 thì lại cực kỳ ít. Đấy là một điều mà tôi cho là có thể ông trời phù hộ cho chúng ta để tổ chức một kỳ SEA Games thành công. Và trong quá trình tổ chức, chúng ta đều biết là có những lúc trời mưa sấm chớp rất lớn, nhưng đến lúc khia mạc, hoặc trước trận bóng đá, thì trời lại rất đẹp. Có thể nói SEA Games để lại rất nhiều ấn tượng, dấu ấn và cả những khó khăn.

PV: Trong những ngày diễn ra SEA Games 31, ấn tượng sâu đậm nhất chính là các khán đài đầy ắp khán giả, không chỉ có bóng đá, mà còn có bơi, điền kinh, bóng chuyền, bóng rổ… và nhiều môn khác nữa. Chứng kiến bầu không khí cổ vũ cuồng nhiệt như vậy, sau hai năm các giải đấu gần như bị đóng băng, đã mang đến cho ông cảm xúc như thế nào?

Ông Trần Đức Phấn: Chúng tôi luôn luôn hình dung ra trên khán đài sẽ là đầy ắp khán giả, những người hâm mộ. Bởi vì có những hình ảnh rất là xúc động, là những bố mẹ, anh chị em của các VĐV, ở rất xa, tận Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… ra tận Hà Nội để cổ vũ cho con em mình thi đấu. Và đó là những hình ảnh cực kỳ xúc động đối với chúng tôi, là những người làm chuyên môn. Bên cạnh đó thì như các bạn đã thấy, tất cả khán đài, người hâm mộ cả nước rất là ủng hộ. Và chính điều đó tạo nên một kỳ SEA Games cực kỳ ấn tượng đối với những người làm chuyên môn. Chúng tôi cảm thấy rất là biết ơn những người đã đồng hành cùng thể thao Việt Nam

PV: Đã thành thông lệ, sau mỗi kỳ Đại hội lớn thì ngành thể thao đều tổ chức họp tổng kết để rút kinh nghiệm. Vậy thì sau SEA Games 31, đâu là bài học lớn nhất?

Ông Trần Đức Phấn: Rút kinh nghiệm đầu tiên là chuẩn bị lực lượng, đây là khâu then chốt, quyết định đến thành tích. Vấn đề thứ hai là chúng ta phải tạo cơ hội cho họ, tìm mọi nguồn lực để giúp cho họ giải tỏa được việc phải đi thi đấu, tập huấn là một vấn đề, nhưng mà tập huấn không thì chưa đủ, mà phải đi thi đấu. Thì đây là điều mà ngành nói chung và từng bộ môn, Liên đoàn nói riêng vẫn còn những hạn chế. Thứ ba, để đạt được thành tích cao thì các VĐV, ngoài việc chuẩn bị tốt, được tạo điều kiện tốt, thì còn phải rèn luyện ý chí, nghị lực, nhất là trong điều kiện rất nhiều hạn chế về nguồn lực đầu tư.

2023 – Lời khẳng định của một nền thể thao cường thịnh…

PV: Từ SEA Games 31 đến SEA Games 32 chỉ có vỏn vẹn một năm, còn tính từ bây giờ thì chỉ còn 4 tháng. Quỹ thời gian hạn hẹp như vậy gây ra áp lực chuẩn bị không nhỏ cho tất cả các đoàn thể thao. Với Thể thao nước ta, việc chuẩn bị cho kỳ Đại hội sẽ diễn ra vào tháng 5 tới đây tại Campuchia, được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Phấn: Sau khi chúng ta tổ chức SEA Games xong thì chúng ta đã nghĩ ngay đến SEA Games 32 rồi, thời gian nói là còn một năm, thực ra còn vài tháng. Lực lượng thì hiện nay đã đưa lên danh sách hết rồi. Và có những đội là chúng tôi đã ký tập huấn cho VĐV từ 1/1/2023, và có những đội thì Tết Âm lịch xong thì các VĐV trở lại tập luyện chuẩn bị cho SEA Games. Nói tóm lại là chuẩn bị cho SEA Games thì thể thao Việt Nam đã chuẩn bị từ trước. Số lượng môn thi đấu mà Campuchia công bố thì chúng ta đã rà soát. Bên cạnh đó thì những môn thể thao không có trong SEA Games, thì chúng ta cũng chuẩn bị lực lượng cho ASIAD. Đồng thời là cả ba nhiệm vụ trong năm 2023, ngoài SEA Games, ASIAD, còn có vòng loại Olympic. Ba nhiệm vụ liên thông này thì chúng tôi đã chuẩn bị.

PV: Chúng ta đều biết nước chủ nhà Campuchia đã điều chỉnh rất nhiều về các nội dung thi đấu, theo hướng cắt giảm đáng kể các nội dung Olympic. Điều này tác động ra sao đến định hướng của thể thao nước ta, cũng như mục tiêu duy trì vị trí trong top 3 toàn đoàn trên bảng xếp hạng chung cuộc, thưa ông?

Ông Trần Đức Phấn: Chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều với Hội đồng Thể thao Đông Nam Á, tuy nhiên chúng ta cũng hiểu rằng đây là vùng thể thao vẫn còn là vùng trũng. Cho nên là vẫn có sắc mầu gì đó của nước chủ nhà, đó là nét văn hóa Đông Nam Á và chúng ta vẫn phải chấp nhận cuộc chơi này. Và trong cuộc chơi tại SEA Games 32 này, số môn thể thao trọng điểm của chúng ta không được đưa vào thi đấu khá nhiều, VD như bắn súng, rowing, và một vài môn thế mạnh của Việt Nam nữa. Tôi chỉ tính sơ bộ là chúng ta mất vài chục HCV. Song, về mục tiêu, chúng ta vẫn là top 3, không thể nào đặt mục tiêu top 4 được. Và tôi nghĩ rằng là với số lượng môn thì đấu của SEA Games 32, Việt Nam ở trong top 3 là được, không có vấn đề gì cả.

PV: Dẫu sao, với SEA Games 32 thì chúng ta vẫn có thể đợi chờ những cơn mưa vàng, nhưng câu chuyện sẽ hoàn hoàn toàn khác đối với đấu trường châu lục, đó là ASIAD Hàng Châu 2023, diễn ra vào tháng 9. Nhìn lại ASIAD 2018 tại Indonesia, chúng ta có 4 HCV (một của Rowing, một của Điền kinh, và hai của Pencak Silat). Hơn 4 năm qua đã chứng kiến rất nhiều đổi thay tích cực, liệu Thể thao Việt Nam có thể mạnh dạn, tự tin đặt ra mục tiêu vượt qua cột mốc 4 HCV tại ASIAD 2023?

Ông Trần Đức Phấn: Theo đánh giá của tôi về mặt chuyên môn, qua kinh ngiệm mà chúng tôi đã trải qua trong những năm vừa qua, và nhìn thực lực VĐV của Việt Nam, thì tôi nói là trong điều kiện chúng ta đào tạo VĐV mà đảm bảo các điều kiện tốt nhất, thì Việt Nam có thể đạt được trên 10 HCV. Nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng ta vẫn phải đi tìm kiếm từng tấm HCV một. Cho nên tại ASIAD 19 này tại Hàng Châu, Trung Quốc, cột mốc 4 HCV tại ASIAD 18 thì chúng ta khó có thể đánh đổ được. Vì chúng ta phải căn cứ vào lực lượng hiện có của chùng ta. VD như trường hợp của Thu Thảo nhảy xa, ASIAD 18 đoạt HCV, nhưng đến ASIAD 19 này, ai sẽ là người của điền kinh tham gia vào top giành giật HCV? Cả một vấn đề. Từ nay đến ASIAD còn khoảng hơn 8 tháng, những môn thể thao liên thông với SEA Games thì các VĐV chuẩn bị bình thường, các môn còn lại thì sẽ chuyên biệt chuẩn bị ngay cho ASIAD. Và thể thao Việt Nam vẫn đặt mục tiêu là phải có môn Olympic đoạt HCV ASIAD.

PV: Cùng với SEA Games 32, rồi ASIAD, năm 2023 đầy bận rộn và háo hức của thể thao Việt Nam còn chứng kiến một cột mốc lịch sử, đó là sự kiện Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu góp mặt ở VCK World Cup. Thưa ông Trần Đức Phấn, sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong hành trình vươn tầm thế giới của Thể thao Việt Nam?

Ông Trần Đức Phấn: Nói về bóng đá thì chúng ta cũng phải đánh giá đúng thực lực của mình, ở khu vực Đông Nam Á thì chúng ta đều biết, đối với bóng đá nữ thì rất ít đội, trong nước của chúng ta cũng rất ít địa phương đào tạo VĐV bóng đá. Do vậy nguồn lực để tuyển chọn vào ĐTQG rất bị hạn chế. Thế thì bây giườ chúng ta đã vào đến World Cup rồi, nhưng để đánh giá một cách thực chất vấn đề, thì chúng ta đến World Cup với tinh thần thi đấu để trao đổi, học hỏi, rút kinh nghiệm, chứ đến đó để chúng ta mà hy vọng có gì đó về mặt thành tích, thì theo quan điểm cá nhân tôi, khó có khả năng đạt được. Tôi thấy rằng đối với bóng đá nữ thì đây là chặng đường bước ngoặt của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển nam mai kia mà số lượng đội ở VCK World Cup tăng lên, chúng ta cũng có mục tiêu phấn đấu để vào World Cup.

PV: Những ngày này đội tuyển Việt Nam vẫn đang thể hiện phong độ cao ở AFF Cup 2022, hành trình tới trận chung kết đang rất thuận lợi, ông đánh giá ra sao về sức mạnh của đội tuyển Việt Nam ở giải đấu năm nay?

Ông Trần Đức Phấn: Thực lực mà nói thì Thái Lan vẫn là đội tuyển mạnh của khu vực, bên cạnh đó Indonesia là đội tuyển mà chúng ta phải cảnh giác cao. Cá nhân tôi nghĩ rằng với AFF Cup lần này, đội tuyển chúng ta vẫn vào đến chung kết, tranh chấp chức vô địch. Tôi nghĩ rằng ĐTVN hoàn toàn có thể làm được việc đó. Với sự cầm quân của ông Park Hang Seo cũng là kỳ cầm quân cuối cùng trước khi ông nghỉ không làm với đội tuyển Việt Nam nữa, tôi nghĩ là sẽ có HCV.

PV: Chúng ta sẽ cùng chờ đợi tin vui lớn từ đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup, để từ đó thêm vững tin đễ bước sang năm 2023 có rất nhiều sự kiện thể thao quan trọng. Và nhân dịp chào năm mới, ông Trần Đức Phấn có điều gì muốn chia sẻ với người hâm mộ thể thao?

Ông Trần Đức Phấn: Thay mặt những người làm chuyên môn và ngành TDTT, trân trọng cảm ơn sự đồng hành của người hâm mộ, khán giả và nhân dân cả nước đã đồng hành cùng thể thao Việt Nam. Chính điều đó đã tạo nên một sức mạnh để cho các VĐV, chúng tôi mong muốn là người hâm mộ, khán giả và nhân dân cả nước sẽ tiếp tục ủng hộ các VĐV thể thao Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2023. Và những trận đấu bóng đá đầy ắp khán giả, các môn thể thao khác cũng như vậy, đấy là điều động viên to lớn nhất đối với các VĐV. Xin cảm ơn tất cả và chúc năm mới cho tất cả mọi người một năm Quý Mão sức khỏe, hạnh phúc và bình an!

PV: Một lần nữa cảm ơn ông Trần Đức Phấn đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện chào năm mới 2023. Chúng ta cùng mong đợi một năm bừng sáng nữa của Thể thao Việt Nam!