Cuộc thi được phát động ngày 23/11/2021, kết thúc nhận bài ngày 31/8/2023. Sau gần 2 năm triển khai, cuộc thi đã nhận 498 tác phẩm dự thi, trong đó 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, không chuyên, công nhân, viên chức, học sinh, người cao tuổi và Việt kiều gửi dự thi.

Cuộc thi tạo cơ hội để các nhà văn chuyên nghiệp và không chuyên sáng tạo những tác phẩm văn học phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống, việc làm của người công nhân, khích lệ, động viên công nhân hăng say lao động, đổi mới sáng tạo; tôn vinh lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về vai trò, hoạt động thiết thực, hiệu quả của tổ chức Công đoàn, góp phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.

Thông qua các tác phẩm dự thi, bạn đọc có thể nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, việc làm, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tỉnh hình mới; đánh giá đúng vai trò, sứ mệnh, đóng góp của tổ chức Công đoàn đối với người lao động và đất nước.

Ban Chỉ đạo cuộc thi gồm 06 thành viên từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, do đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng ban Chỉ đạo.

"Cuộc thi đã phản ánh toàn diện về cuộc sống, việc làm của công nhân cũng như hoạt động của Công đoàn. Hy vọng các tác phẩm từ cuộc thi sẽ lan tỏa đến công nhân, xã hội, từ đó nhìn nhận, sẻ chia đặc biệt và có chính sách tốt hơn cho công nhân" - ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - thành viên hội đồng Chung khảo đánh giá: “Viết về công nhân, công đoàn và người lao động là đề tài rất khó, đòi hỏi sự thâm nhập thực tế, đòi hỏi chất liệu đời sống thực tế rất cao của người viết. Hội Nhà văn Việt Nam cũng có ban riêng dành cho các cây bút về viết công nhân, người lao động. Các nhà văn phải thâm nhập đời sống công nhân, ăn ngủ, sinh hoạt, lao động cùng họ để sáng tác. Tuy nhiên, đề tài này bằng đi một thời gian chưa có những tác phẩm xứng tầm, gây tiếng vang. Những cuộc thi như lần này của Báo Lao Động chắc chắn sẽ khơi nguồn, sẽ là bệ phóng để chúng ta có được những tác phẩm lớn".

Ban tổ chức cuộc thi đã tổ chức 2 chuyển đi cho các văn thực tế tại Công ty Than Khe Chàm (Quảng Ninh) và công ty Thaco (Quảng Nam). Báo Lao Động cũng giới thiệu gần 90 tác phẩm dự thi trên báo Lao Động cuối tuần và chuyển thể 70 tác phẩm sang podscast, đăng tải trên báo Lao Động điện tử.

Sau thời gian làm việc công tâm, khách quan, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn 43 truyện ngắn, 18 tiểu thuyết đề nghị đưa vào Chung khảo cuộc thi.

Tiếp đó, Hội đồng Chung khảo đã chọn ra 13 truyện ngắn, 11 tiểu thuyết có chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu cuộc thi để trình Ban Chỉ đạo và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, trao giải.

Lễ Tổng kết và Trao giải vào ngày 16/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn do Báo Lao Động tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam.

Cuộc thi là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát triển con người toàn điện và xây dựng nền văn hoa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, "văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cuộc thi cũng là một trong những hoạt động triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới".