Chương trình hòa nhạc “Âm thanh vĩnh cửu” do Ban vận động hội âm nhạc cổ điển Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam và công ty cổ phần đầu tư phát triển Tin yêu Việt Nam tổ chức.

Cả hai nghệ sỹ Nguyễn Việt Trung và Ngô Phương Vi đang theo học các trường đại học âm nhạc hàng đầu Châu Âu và Hoa Kỳ, hai nghệ sỹ đã đạt được những giải thưởng danh giá cũng như tham gia các buổi biểu diễn quy mô trong nước và quốc tế.

Trở về Hà Nội lần này, bằng tất cả nhiệt huyết của trái tim, Nguyễn Việt Trung và Ngô Phương Vi mong dành tặng tới khán giả Thủ đô những màn trình diễn đầy cảm xúc nhằm tôn vinh vẻ đẹp của những tác phẩm âm nhạc cổ điển và thể hiện cá tính âm nhạc của riêng mình như một lời tri ân đến mảnh đất đã sinh ra và gắn bó cả tuổi thơ.

Nguyễn Việt Trung sinh ngày 30 tháng 9 năm 1996 tại Hà Nội. Năm 2003, anh nhập học Trường Âm nhạc Bang Oskar Kolberg ở Warsaw trong lớp Filomena Dziedzic.

Năm 2009, anh trở thành học trò của Giáo sư Irina Rumiancewa-Dabrowski tại Trường Âm nhạc Bang Karol Szymanowski ở Warsaw. Anh hiện đang theo học tại Học viện Âm nhạc Feliks Nowowiejski ở Bydgoszcz dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Katarzyna Popowa-Zydron.

Anh đã giành được nhiều giải thưởng tại các cuộc thi piano, bao gồm: Giải nhất tại Liên hoan piano quốc gia lần thứ 17 "Chopin's Interpretations of the Young" ở Konin- Zychlin năm 2021, Giải 5 tại Cuộc thi Chopin Quốc gia ở Warsaw năm 2020, Fryderyk Chopin tại Warsaw năm 2020, Grand Prix tại Cuộc thi âm nhạc thính phòng quốc tế tại Việt Nam năm 2019, giải 3 cuộc thi Piano quốc tế Karlovac tại Croatia năm 2019, Grand Prix và giải nhất cuộc thi quốc gia CEA năm 2014.

Năm 2021, anh là người tham gia tại vòng thứ hai của Cuộc thi Fryderyk Chopin Quốc tế lần thứ 18 tại Warsaw. Anh đã biểu diễn tại Liên hoan Artur Rubinstein ở Lodz năm 2019 và Liên hoan Piano Frost Chopin năm 2018, 2019.

Lê Phi Phi (Le FiFi) là một nhạc trưởng gốc Việt Nam định cư tại Skopje, nước cộng hòa Bắc Macedonia (Nam Tư cũ). Ông sinh ngày 15 tháng 4 năm 1967 tại Hà Nội. Sau khi theo học khoa chỉ huy tại Nhạc Viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay) ông sang Moscow học tại nhạc viện Tchaikovsky (Nga). Ông tốt nghiệp Thạc sỹ âm nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng và vũ kịch vào năm 1993.

Hiện tại ông là nhạc trưởng giảng dạy ở Trung tâm âm nhạc và múa quốc gia của nước cộng hoà Bắc Macedonia mang tên “Ilia Nikolovski-Luj”.

Ngô Phương Vi sinh năm 1998, bắt đầu học piano từ năm 3 tuổi. Cô từng là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của GS.TS. & Nhà giáo Nhân dân Trần Thu Hà. Sau đó, Vi nhận được học bổng toàn phần đại học danh giá, chuyên ngành Cử nhân Biểu diễn Piano tại Trường Âm nhạc Jacobs thuộc Đại học Indiana dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Jean-Louis Haguenauer.

Hiện tại, cô đang theo học chương trình Thạc sĩ Âm nhạc chuyên ngành Biểu diễn Piano tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Biểu diễn ở Viên, Áo.

Phương Vi đã giành nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế: Năm 2010, Vi đoạt giải 3 tại Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ nhất. Hai năm tiếp theo, cô nhận được Giải Đặc biệt và hai Huy chương Vàng tại Cuộc thi Piano và Liên hoan Âm nhạc Châu Á tại Hàn Quốc.

Năm 2012, Vi được Hiệp hội Chopin công nhận là thí sinh triển vọng trong Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ II. Năm 2015, Vi đạt giải Nhì và được trao hai suất học bổng đặc biệt của VIP Academy tại Vienna, Áo và CUI Int'l Music Festival tại Canada trong cuộc thi Piano Quốc tế San Jose lần thứ 16 tại San Jose, Mỹ.

Cùng năm, Vi đoạt giải Nhất, người chơi nhạc cổ điển hay nhất bảng B và giải thí sinh Việt Nam xuất sắc nhất do NSND Đặng Thái Sơn trao tặng tại Cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ 3.

Chương trình hòa nhạc đánh dấu sự ra mắt của Ban vận động thành lập Hiệp hội nhạc cổ điển Việt Nam với sứ mệnh tạo ra nhiều hơn những cơ hội tỏa sáng cho các tài năng trẻ trong nước, lan tỏa mạnh mẽ hơn tình yêu nhạc cổ điển tới công chúng.

Sau chương trình hòa nhạc này, Ban vận động sẽ tiếp tục có những hoạt động thiết thực tiếp theo như: tổ chức chương trình tìm kiếm các tài năng âm nhạc cổ điển trẻ để bồi dưỡng, đào tạo trong và ngoài nước; triển khai việc phổ biến âm nhạc cổ điển trong các cấp học tại các trường học, trước mắt là các trường học tại Hà Nội; tiếp tục tổ chức các show âm nhạc cổ điển với các hình thức thể hiện mới mẻ, trẻ trung…