Đi lễ hay tham gia các lễ hội đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Thế nhưng, do dịch Covid-19 rất nhiều di tích, đền, chùa phải đóng cửa trong một khoảng thời gian dài. Chính vì vậy, để đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong dịp đầu xuân năm mới, cũng nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã mở cửa trở lại các di tích, đền, chùa…

Theo ghi nhận của PV VOV2, hầu hết người dân đều phấn khởi và háo hức vì sau một thời gian dài, các khu di tích không đón khách nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, thì đến nay, mọi người đã có thể tham quan cũng như thực hiện tín ngưỡng tâm linh của mình.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, lễ hội mùa xuân chính là nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta, mùa xuân mà thiếu đi lễ hội thì mùa xuân cũng không trọn vẹn ý nghĩa nữa. Cho nên, việc mở cửa lại các di tích, nơi thời tự vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần có những kế hoạch để làm sao mở cửa mà vẫn an toàn.

Mùa lễ hội năm nay, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân, nhiều di tích, đền, chùa... không tổ chức phần hội như mọi khi mà chỉ thực hiện nghi thức dâng hương, tế lễ nhỏ gọn, nhưng vẫn đảm bảo thành kính, trang nghiêm, đồng thời chủ động phương án hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người.

Tại một số cơ sở thờ tự trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức phòng, chống dịch của người dân được thực hiện nghiêm túc, cơ bản như: đeo khẩu trang, sát khuẩn và khai báo y tế tại mỗi địa điểm đến tham quan. Bên cạnh đó, việc khử khuẩn không gian xung quanh đền, chùa luôn được các cơ sở chú trọng triển khai.

Tuy nhiên, ở một số địa phương nơi có lễ hội, vẫn xảy ra tình trạng “biển người” cùng một lúc đổ về một điểm lễ hội khiến nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát khó kiểm soát. Lễ hội Chùa Hương, chùa Tam Chúc, Đền Bà Chúa Kho… ngày đầu lễ hội đã phải đóng cửa trở lại khi lượng người quá tải. Cảnh chen lấn, cò mồi nơi thờ tự, tệ nạn xã hội tái phát, gây mất trật tự an ninh... Đây như là một lời cảnh báo đến người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phòng chống dịch bệnh cũng như là sự văn mình ở những nơi thờ tự, tâm linh.

Việc mở cửa lại các di tích, đền, chùa… còn mang ý nghĩa kích cầu du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế, nhất là sắp tới đây, nước ta sẽ mở cửa du lịch, đón khách quốc tế đến với Việt Nam. Chính vì vậy, thông qua việc mở cửa này, các cơ quan chức năng sẽ có sự chuẩn bị kỹ hơn trong công tác phòng chống dịch cũng như cũng phải tính đến những giải pháp khác như là phân luồng, phân chia các nhóm khách, khống chế số khách vào di tích, nơi thờ tự ở từng thời điểm, thay vì cùng lúc đón một lượng khách quá lớn đổ về.

Được tham gia lễ hội, đặc biệt trong những ngày đầu Xuân như thế này là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của người dân, cũng là để góp phần khôi phục hoạt động ngành văn hóa du lịch, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay, đồng lòng của các địa phương và người dân để đẩy lùi dịch COVID-19. Chỉ khi khống chế được dịch bệnh thì người dân mới được an toàn, được hưởng một lễ hội đúng nghĩa và đất nước mới ổn định, phát triển.

Mời nghe âm thanh tại đây: