Từ ngày 08/01/2023, Trung Quốc cho phép mở lại các hoạt động du lịch. Với gần 155 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài năm 2019, mức chi tiêu 255 tỷ USD, Trung Quốc là một trong những thị trường nguồn khách quốc tế lớn và quan trọng nhất thế giới.

Với Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng là 17% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã áp dụng chính sách Zero Covid và điều này đã để lại khoảng trống khó lấp cho thị trường du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Trung Quốc là thị trường du lịch Outbound lớn nhất thế giới, tuy nhiên, với chính sách Zero Covid, trong 3 năm vừa qua, Trung Quốc đã đóng cửa gần như hoàn toàn nên thế giới không đón được nguồn khách từ quốc gia tỉ dân này. Do đó, trước việc Trung Quốc cho phép mở lại các hoạt động du lịch, các nước trong và ngoài khu vực đều có những sự đầu tư, biện pháp cạnh tranh, đẩy mạnh khai thác thị trường này.

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, trước đây, việc đón khách Trung Quốc còn tình trạng tour giá rẻ 0 đồng, kinh doanh núp bóng... đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Việt Nam. "Trung Quốc là thị trường du lịch lớn cần phải ngay lập tức có các giải pháp thu hút hiệu quả, nhưng các cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cũng cần phân tích những tồn tại trong việc khai thác thị trường này để đưa ra giải pháp khắc phục một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1/2023 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2023. Khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước nối lại, được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành cũng như các địa phương, doanh nghiệp đã và sẽ tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ du lịch cho thị trường này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trùng Khánh cũng cho rằng, bên cạnh những cơ hội lớn luôn tồn tại những thách thức bởi 3 năm đại dịch Covid-19 đã mang đến rất nhiều thay đổi: từ sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... cho đến đối tượng khách hàng, thói quen, nhu cầu, sở thích, cũng như phương thức tiếp cận... Toàn ngành du lịch Việt Nam cần chung tay chuẩn bị những gì tốt nhất để đón đầu việc Trung Quốc mở cửa trở lại, góp phần tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu, các đơn vị hàng không, lữ hành đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để đón thị trường khách quốc tế hàng đầu của Việt Nam một cách hiệu quả, chất lượng, an toàn phòng dịch. Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có lộ trình mở cửa đón khách tăng dần phù hợp từng thời điểm để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách cũng như cần có các biện pháp tăng cường quản lý về du lịch nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trong nước phát triển và cạnh tranh lành mạnh, thu hút thêm nhiều du khách đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý tình trạng tổ chức du lịch chui, cho mượn pháp nhân ăn chênh lệch, trốn thuế, tạo điều kiện thông thoáng về chính sách xuất nhập cảnh để thuận lợi hơn trong việc thu hút khách.

Theo ông Phạm Ngọc Thủy- Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, là tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc, trong nhiều năm qua, Quảng Ninh xác định Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng và lợi thế hàng đầu và là cửa ngõ khai thác, phát triển thị trường du lịch Trung Quốc của cả nước. Trong những năm qua, lượng khách du lịch Trung Quốc đến với Quảng Ninh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng. Cụ thể: năm 2017 đón 680.000 lượt khách, năm 2018 đón 735.000 lượt khách, năm 2019 đón 750.000 lượt khách. Vì thế, ông Thủy đề xuất cần xem xét cơ chế đặc thù với việc đón khách Trung Quốc tại các cửa khẩu; thống nhất giải pháp đón khách cho các doanh nghiệp để tránh tình trạng những tour “0 đồng” chất lượng kém, tour trốn thuế, các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bị phía Trung Quốc ép giá, doanh nghiệp phải chấp nhận và chỉ đạo Hướng dẫn viên ép khách mua sắm ở các điểm bán hàng, gây bức xúc đối với khách du lịch và làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan chức năng của hai nước cũng sẽ có những quy định, chính sách quản lý phù hợp và chặt chẽ hơn, đặc biệt là chính sách về quản lý về phòng chống dịch và quản lý về du lịch.

Trung Quốc là một trong những thị trường du lịch quốc tế hàng đầu của Du lịch Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung, vì vậy việc đầu tiên và cấp bách nhất lúc này là ban hành các quy chế chặt chẽ về quản lý hoạt động, đảm bảo kết quả kinh doanh tốt nhất chấn chỉnh các hành động sai pháp luật trong phục vụ khách Trung Quốc, tạo ấn tượng tốt nhất đối với khách Trung quốc để đảm bảo phát triển bền vững thị trường quan trọng này.