Bản Sưng đón chúng tôi vào 1 ngày yên bình trong tiết trời nắng Xuân ấm áp. Những ngôi nhà trệt bằng gỗ, mái lợp lá cọ truyền thống của người Dao Tiền, gian bếp với gác bếp phía trên... khiến chúng tôi không thể rời mắt...

Vì sao xóm làng xinh đẹp này được gọi là Bản Sưng? Chúng tôi đã được Anh Lý Văn Nghĩa, trưởng Bản Sưng giải thích: Ngày xưa xóm tên là Sâng, gọi theo tên loại cây mọc rất nhiều ở đó, nghĩa là xóm cây Sâng. Về sau đọc chệch đi thành Sưng cho dễ. Nhưng cũng có người lại bảo, do trước đây đường lên bản rất khó khăn, chỉ có thể đi bộ, mọi người thường xuyên bị vấp ngã, sưng chân tay, mặt mũi, nên người ta mới gọi là Bản Sưng, xóm Sưng...

Trải nghiệm vẽ sáp ong lên vải để may quần áo, ngắm nhìn những người phụ nữ với đôi tay lấm màu chàm đen - những đôi tay đảm nắm giữ những bí quyết quý của nghề làm thổ cẩm, đặc biệt là công thức vẽ sáp ong tạo hoa văn độc đáo của người Dao Tiền... là điều gây ấn tượng cho du khách khi đến đây.

Người Dao Tiền có chữ viết riêng. Những nét chữ ấy được bà con viết lên trang giấy Dó. Nghề làm giấy Dó ở bản Sưng không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi người Dao Tiền có chữ viết thì nghề làm giấy Dó cũng ra đời. Nghề một thời tưởng chừng bị rơi vào quên lãng, nay được người dân ở Bản Sưng khôi phục lại, trở thành niềm tự hào khi giới thiệu với khách tham quan...

"Cây Dó là loại cây truyền thống của người Dao ở đây. Từ xưa bà con đã trồng cây Dó để tự làm ra những tờ giấy phục vụ cho đời sống của mình. Đã có lúc công việc này bị mai một, bởi có loại giấy công nghiệp pha trộn vào. May mắn là khi du lịch cộng đồng ở Bản Sưng phát triển thì được hỗ trợ từ các dự án về để khôi phục lại các nghề truyền thống của người dân", chị Lý Sao Mai, thành viên trong sản xuất giấy Dó ở Bản Sưng chia sẻ.

Đặc biệt, vì lo trẻ con lớn lên chỉ có thể nói mà không thể đọc hiểu tiếng dân tộc mình, ở đây có lớp dạy tiếng Dao để bảo tồn văn hoá của chính mình. Và vì sao lớp học lại ở giữa rừng, xa trung tâm xóm như vậy, bác Lý Hồng Minh, một trong những người dạy chữ Dao người cao tuổi trong bản giải thích rằng: Trước đây người dân sống quanh khu vực đó, nhưng từ sau khi xảy ra nhiều trường hợp lở núi, xói mòn đất… bà con chuyển về sống ở khu vực trung tâm. Lớp học vẫn được giữ nguyên cho tới bây giờ.

Nói về Hang Sưng, bác Lý Hồng Minh, người cao tuổi trong bản kể: "Hang Sưng, hay còn gọi là hang Hoàng Lan, hang Ba Cô. Truyền thuyết kể lại rằng: Bà chúa Hoàng Lan có 3 cô con gái xinh đẹp. Một ngày nọ, ba cô đi chơi, lạc vào trong hang rồi biến mất không thấy quay về. Bà Hoàng Lan thương con, đi tìm khắp nơi, đi vào hang, rồi cũng không quay về. Do đó, dân làng đặt tên cho hang là hang Ba Cô. Ở cửa hang có cái am nhỏ, trước khi đi vào, phải thắp hương để xin phép".

Được trải nghiệm đi xuyên rừng, tìm hiểu, khám phá về các loại cây dổi quý, cây thuốc độc để lấy nhựa cây tẩm vào các mũi tên đi săn bắn lợn lòi... được ăn quả me rừng, chua tan trong miệng lại ngọt, ngâm chân và tắm là thuốc... khiến những du khách như chị Trịnh Thuỷ Tiên vô cùng thích thú: "Ở đây, tôi được hoà mình vào thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là đã đi vào rừng luôn, rất thú vị, tôi rất thích…".

Tối đến, thưởng thức các tiết mục văn nghệ của đồng bào Dao Tiền trình diễn... ngồi quây quần bên bếp lửa, nướng khoai, luộc sắn, trò chuyện.

Bên ánh lửa bập bùng, là những câu chuyện về cuộc sống của người Dao Tiền ở Bản Sưng, về những phong tục cưới xin hay trang phục truyền thống... Tất cả hòa quyện tạo nên bức tranh với cảnh sắc thiên nhiên vô cùng ấm cúng và đẹp đến mê lòng...

Cách Hà Nội chừng 100 km, mất 2 giờ đi ô tô theo Google Maps, Bản Sưng của người Dao Tiền nép mình bên núi Biều, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, nơi không có sóng điện thoại.

Xóm Sưng có 73 hộ gia đình, chỉ có 3 nhà làm homestay, nhưng nếu sống ở đây 2 ngày, đi bất cứ đâu du khách cũng có người bản địa sẵn sàng trò chuyện, làm tourguide dẫn bạn khám phá các cung đường.

Điều thú vị về văn hoá riêng của xóm Sưng là hay gọi người cao tuổi là bố, mẹ.

Ở Bản Sưng, nếu ai đó sinh con ra không đủ điều kiện chăm sóc, có thể cho người khác nuôi dưỡng. Gia đình nhận nuôi và người cho con trở thành bạn bè, cùng vun đắp và theo dõi sự trưởng thành của đứa trẻ chung đó.

Mời nghe âm thanh tại đây: