Liên quan đến câu chuyện cổ phần hoá tại Hãng Phim truyện Việt Nam, mới đây, Vivaso bất ngờ có công văn số 74/CV-VTT gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về việc đề xuất giải quyết vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Văn bản nêu: Trước khi cổ phần hóa, Hãng hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước. Nguồn thu chính nhiều năm vừa qua chỉ trông chờ vào nguồn tiền nhỏ giọt do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Do bộ máy quá cồng kềnh, số lượng lao động gián tiếp lớn nên nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng sản xuất phim chủ yếu để trả lương cho cán bộ công nhân viên, tiền đầu tư trực tiếp cho sản xuất phim ít. Điều này khiến chất lượng phim kém, sản xuất ra không có người xem, công ty thua lỗ triền miên. Vì vậy, việc cổ phần hóa, cơ cấu lại sản xuất là chủ trương đúng đắn của Nhà nước.

Cũng theo Vivaso, từ khi chính thức đi vào hoạt động, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam đã phải nộp 23,2 tỷ đồng tiền thuế do nợ ngân sách nhiều năm trước đó chuyển sang.

"Quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức, sản xuất theo mô hình hoạt động của công ty cổ phần đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số cá nhân. Đó là điều tất yếu vì khi còn là doanh nghiệp nhà nước, có không ít người không làm việc thường xuyên, không có đóng góp vẫn được trả lương. Những người này thiếu tinh thần hợp tác, thường xuyên gây mất đoàn kết, tạo dư luận xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty cổ phần cũng như uy tín của nhà đầu tư chiến lược" – Văn bản của Vivaso ghi rõ.

Đáng chú ý, để tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết các vướng mắc tại Hãng Phim truyện Việt Nam, Vivaso nêu ra 3 đề xuất.

Theo đó, đơn vị này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng cho phép Vivaso được đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng đã cũ nát theo đúng mục tiêu ngành nghề kinh doanh là sản xuất phim và văn hóa điện ảnh; đầu tư đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Về một số dư luận cho rằng nhà đầu tư không có chuyên môn về lĩnh vực sản xuất phim, Vivaso đề nghị Bộ VHTT&DL cử người đại diện phần vốn Nhà nước có đủ chuyên môn kinh nghiệm và uy tín tham gia Hội đồng quản trị. Đơn vị này cam kết rằng dùng quyền biểu quyết của mình để bầu người được Bộ VHTT&DL giới thiệu giữ chức danh Tổng Giám đốc và cam kết hỗ trợ tối đa Tổng giám đốc trong công tác điều hành doanh nghiệp. Để tạo hành lang pháp lý, các cam kết nêu trên sẽ được bổ sung vào Điều lệ hoạt động của công ty trong kỳ Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Cùng với đó, Vivaso cho biết, ngay sau khi có Tổng Giám đốc mới và kiện toàn bộ máy điều hành sản xuất, nhà đầu tư cam kết đầu tư ngay tiền để sản xuất phim theo kế hoạch sản xuất của Tổng Giám đốc.

Với 3 kiến nghị nêu trên, Vivaso cho rằng nếu được thực hiện thì đơn vị này tin tưởng sẽ giải quyết được nghi ngờ của một số nghệ sĩ và dư luận cho rằng nhà đầu tư đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam không làm phim mà vì mục đích chiếm đất để làm bất động sản và không có chuyên môn về lĩnh vực sản xuất phim.

Trước động thái này của Vivaso, nhiều nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên, người lao động của Hãng phim bày tỏ sự nghi ngại, liệu đây có phải “bình mới, rượu cũ”?

“Đã 7 năm không làm được gì, lại phá hỏng 300 bộ phim chỉ vì 1 cái máy lạnh hỏng mà không thay. Bây giờ lại xin tiếp tục lãnh đạo và hứa xây dựng. Điều đó thật khó thuyết phục. Chưa kể đã kết luận là cổ phần sai. Tại sao không giải quyết dứt điểm mà lại bàn sang xin tiếp tục cổ phần?" – NSND Nhuệ Giang đặt nghi vấn.

Trên trang cá nhân, nhà sản xuất phim Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng bày tỏ sự không đồng tình khi cho rằng “một sự thất tín vạn sự không tin". "Ví von nôm na chút - Một cặp mới được tác thành đã cơm không lành cành chẳng ngọt, ly thân 6-7 năm, giờ một bên đòi quay lại hứa hẹn đủ điều - liệu có tin được là họ sẽ hạnh phúc không cả nhà??? - Lại còn mời người cô hoặc cậu ruột về sống cùng để làm chứng và lo cho họ nữa- Chao ôi là chao ôi.. Tin rằng Chính phủ sẽ bảo vệ được và làm hồi sinh được một cơ sở điện ảnh có bề dày lịch sử - đó là Hãng Phim truyện Việt Nam”.

Nghệ sĩ, biên kịch Tống Phương Dung chia sẻ: “Cá nhân tôi không còn lòng tin đối với Vivaso rồi, không cần phải đến 7 năm mà chỉ cần 2 tháng sau khi cổ phần hóa Hãng phim, bằng những việc làm có thể coi là "đàn áp" của Vivaso nhằm đẩy chúng tôi ra đường theo đúng nghĩa thì không ai có thể tin vào những lời hứa hẹn của Vivaso một lần nào nữa. Thực tế để cơ sở hạ tầng xuống cấp, gần 300 bộ phim bị hư hỏng nặng đã chứng minh Vivaso không có cái gọi là mong muốn làm phim, mong muốn đầu tư và phát triển Hãng phim như họ nói”.