Cuộc phiêu lưu kỳ thú phi hiện thực

"Đi trốn" là một tác phẩm văn học nổi bật ra mắt cuối năm 2020. Bối cảnh câu chuyện vào những năm 1960 thế kỷ trước, khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Trường học và nhiều học sinh Hà Nội phải sơ tán về các miền quê.

Một nhóm bạn con nhà lính từ Thủ đô, nhóm học sinh con cán bộ miền Nam tập kết và bọn trẻ ở quê đã nhanh chóng kết thân. Vì một sự cố bất ngờ, đám trẻ bị bỏ lại giữa rừng hoang, trong tay chỉ có vài vật dụng để sinh tồn.

Tác phẩm là cuộc phiêu lưu li kì, khốc liệt mà vẫn đậm chất thơ.

Trong các câu chuyện phiêu lưu của các tác giả Việt Nam, có lẽ hiếm có cuộc phiêu lưu nào kỳ thú như trong "Đi trốn". Ở đó, thiên nhiên mang vóc dáng của thời tiền sử: vừa trữ tình, thơ mộng, vừa hùng vĩ, khốc liệt. Đó là điều rất khó tưởng tượng trong bối cảnh núi rừng Việt Bắc hay các vùng núi đá vôi ở miền Bắc ngày nay, nơi được chọn là bối cảnh của câu chuyện.

Nhưng nó lại rất có lý nếu chúng ta lui thời gian về khoảng 50-70 năm trước. Có thể tác giả có phần phóng đại cảnh thú dữ hoành hành như ở rừng rậm châu Phi, nhưng trong chừng mực tiểu thuyết thì chấp nhận được. Hơn nữa, thiên nhiên ở đây hiện ra qua con mắt của những đứa trẻ đi trốn, phải đấu tranh sinh tồn trong cảnh bị lạc rừng, chứ không phải qua con mắt của các phượt thủ ngày nay, có Google Map và được trang bị đến tận răng.

Sức hấp dẫn của "Đi trốn" là sức hấp dẫn của cái giọng nam nhi kết hợp với chất "trai phố" nơi đô thị mà ta từng bắt gặp trong "Quân khu Nam Đồng", cuốn sách đầu tay làm nên hiện tượng xuất bản của tác giả Bình Ca. Ở không gian đó, những đứa trẻ đàn anh (đầu têu) luôn được mến mộ, kính phục.

Những câu chuyện của một thế hệ lớn lên trong chiến tranh từ hơn nửa thế kỷ được Bình Ca chân chất kể lại bằng trải nghiệm của người trong cuộc càng khiến cho người đọc hôm nay phải ngả mũ kinh ngạc. Những trò nghịch dại trong "Đi trốn" lại là những cú "chơi lớn": chế tạo cả tàu vũ trụ mà phi công là một chú dế để phóng lên bầu trời đêm 30 Tết (lên cao cả trăm mét). Đúng là chỉ có các “anh hùng nhí” ở “quân khu” một thời mới nghịch ngợm ngang tàng như thế.

"Chơi đẹp" kiểu Bình Ca

Trong buổi tọa đàm ra mắt tiểu thuyết "Đi trốn" hồi tháng 11/2020, nhà văn Bình Ca từng nói một câu để đời có thể xem như tuyên ngôn sáng tác của ông: "Văn chương là cuộc chơi, nhưng đã chơi là phải có cái mới, không lặp lại chính mình".

Tác giả Bình Ca tên thật là Trần Hữu Bình, vốn là “con nhà nòi” văn chương. Cha ông, nhà văn Hữu Mai, từng khuyên con trai theo nghiệp văn chương từ 40 năm trước nhưng ông không nghe. Mãi gần đây, khi giã từ sự nghiệp công chức nhà nước về hưu, cái duyên văn chương mới đến với Bình Ca và đó là lúc ông cho ra đời "Quân khu Nam Đồng".

"Quân khu Nam Đồng" ra mắt năm 2015 là một hiện tượng xuất bản, 4 năm tái bản 15 lần, 32.000 bản sách bán hết veo. Với "Đi trốn", tác giả Bình Ca đã chứng minh mình “chơi đẹp” với văn chương bằng cách không lặp lại chính mình. "Đi trốn" không còn là ký ức tập thể kiểu phi hư cấu của những đứa con trong khu gia binh Nam Đồng nữa. Đó là một tiểu thuyết, một tác phẩm hư cấu về những đứa trẻ trong chiến tranh.

Tuy là tác phẩm hư cấu, nhưng tác giả rất kì công chuẩn bị tư liệu. Bình Ca chia sẻ, ông phải vào Nam, ra miền Trung tìm gặp những người bạn cùng thời chỉ để xác minh một chi tiết nhỏ. Cái sự "chịu chơi với văn chương" của ông còn thể hiện ở câu chuyện mà ông đã nhắc đi nhắc lại không dưới 3 lần trong mỗi cuộc giao lưu sách, viết sách xong phải tặng quá nhiều, dẫn đến phải cắm cả sổ đỏ. Nhưng cũng từ đó ta thấy sự hết mình của một người viết không bị áp lực bởi đơn đặt hàng hay doanh số, mà đến với văn chương bằng tất cả tinh túy và nhiệt tâm, rằng "phải kể nếu không thì không chịu được".

Bình Ca có nói, sau "Đi trốn" có lẽ ông sẽ đoạn tuyệt với văn chương. Nhưng độc giả của ông chẳng ai muốn điều này thành sự thật, dù có phải chờ 5 năm, 7 năm để được đọc một tác phẩm "chơi đẹp" nữa của ông.