Bộ VH-TT&DL đang tích cực xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng.

Thực tế hiện nay, đầu tư cho văn hóa của chúng ta đang được cho là còn quá thấp (phấn đấu đến năm 2030 mới đạt 2% GDP). Chính vì vậy, Chương trình được kỳ vọng sẽ góp phần chấn hưng văn hóa, tạo nên những bước ngoặt đột phá, khơi dậy khát vọng xây đắp và phát huy “sức mạnh mềm” của nền văn hóa quốc gia, dân tộc.

Xung quanh nội dung này, VOV2 đã có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

PV: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết tính cấp thiết của việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam?

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Tại Hội Văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Và tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc T11/2021 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu một quan điểm xuyên suốt của Đảng ta “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Cùng với đó, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 cũng xác định “văn hóa là trụ cột, là nền tảng để phát triển xã hội, là mục tiêu, là động lực để phát triển bền vững đất nước”.

Chính trên cơ sở các quan điểm đó cùng các Nghị quyết cũng như các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong vấn đề về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Chương trình nhằm cụ thể hóa các chiến lược, thể hiện tính quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của đất nước; nâng cao, tiếp nối các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các chương trình mục tiêu, rồi các dự án, đề án mà các giai đoạn trước cũng như hiện nay chúng ta đang triển khai. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đây cũng là để chúng ta thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế, với thế giới để bảo vệ và phát triển văn hóa một cách bền vững.

PV: Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, vậy chúng ta sẽ ưu tiên những vấn đề gì của văn hóa để việc đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Chúng ta biết văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, nên để có thể ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến nội dung chương trình với các bộ, ngành, các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực văn hóa; đồng thời có đánh giá tổng kết các chương trình, các đề án, dự án giai đoạn trước để rút kinh nghiệm cho những chương trình tiếp theo, từ đó để đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cào bằng.

Chương trình được triển khai trong giai đoạn 2025-2035 gồm 10 nội dung thành phần (chia thành 51 nhiệm vụ với 164 mục tiêu cụ thể, 255 hoạt động cụ thể) và chúng tôi dự kiến khoảng 350 nghìn tỷ đồng. Đây là trên có sở tổng hợp đề xuất của 63 tỉnh thành cũng như là các bộ, ngành, hội, hiệp hội Trung ương và được chia làm 2 giai đoạn (2025-2030; và 2030-2035), mỗi giai đoạn khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Và chúng tôi có đề xuất khoảng 60% là nguồn lực từ ngân sách Trung ương, 20% từ ngân sách địa phương và 20% từ nguồn xã hội hóa.

PV: Vậy Bộ có đề ra kế hoạch kiểm tra, đánh giá, tổng kết qua mỗi giai đoạn để chương trình đảm bảo theo đúng mục tiêu đã đề ra, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Bộ VH-TT&DL luôn xác định Chương trình chỉ có thể đạt hiệu quả, thành công nếu ngay từ bước xây dựng, thiết kế Chương trình đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình sau này có sự tham gia đầy đủ, tích cực, chủ động của mọi thành phần xã hội, không chỉ là các cơ quan quản lý nhà nước (như các bộ, ngành, các sở, UBND các cấp) mà còn là các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở giáo dục, tổ chức văn hóa, nghệ thuật, các văn nghệ sỹ, người thực hành văn hóa và cả các gia đình, người dân trên mọi miền Tổ quốc. Thì đó chính là sự thành công của Chương trình.

Thứ hai, Chương trình không chỉ tập trung vào việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, mà còn có các nội dung hoạt động nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động sáng tạo, sáng tác, kinh doanh, dịch vụ văn hóa và thực hành văn hóa của các tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực văn hóa (phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao trong nước và trên thế giới.

PV: Và với 20% nguồn lực xã hội hóa, chúng ta cần có hành lang pháp lý như thế nào, cần xây dựng cơ chế, chính sách ra sao để có thể thu hút, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực văn hóa – một lĩnh vực rất lớn, thưa ông?

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: Ngoài các nội dung chương trình, xã hội hóa… thì các hoạt động hỗ trợ cũng sẽ phải đi kèm theo các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, thu hút hiệu quả nguồn lực, sự tham gia của khu vực ngoài Nhà nước, tư nhân… đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.

Nói tóm lại, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam được xây dựng, thiết kế bám sát quan điểm của Đảng về việc chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ mới. Và chương trình bao gồm các hoạt động cụ thể, các giải pháp đồng bộ để tạo ra môi trường thuận lợi cho mọi thành phần xã hội được tham gia đóng góp, đầu tư, phát triển văn hóa Việt Nam một cách bền vững và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng đã trả lời phỏng vấn của VOV2.

Mời nghe nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt tại đây: