Sáng 18/7 năm 2024, tại thành phố Thanh Hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức khai mạc lớp Tập huấn Chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện khu vực miền Bắc với chủ đề “Chuyển dạng tài liệu dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in”.

Tham dự khai mạc Chương trình Tập huấn có bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL, ông Đỗ Quang Trọng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa và 200 học viên là lãnh đạo, cán bộ công chức theo dõi công tác thư viện của các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, lãnh đạo và viên chức chuyên môn của các thư viện thuộc khu vực miền Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra.

Phát biểu khai mạc khóa Tập huấn, bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL cho rằng, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc và xu hướng tất yếu của các ngành, các lĩnh vực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây được xem là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong công tác phục vụ bạn đọc thời kỳ mới, đặt ra một số nội dung, nhiệm vụ liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, phát triển nội dung số, dữ liệu số, công tác nâng cao trình độ những người làm công tác thư viện.

Qua thực tiễn hiện nay, hệ thống các thư viện công cộng, thư viện các trường đại học, thư viện chuyên ngành, thư viện lực lượng vũ trang nhân dân trên toàn quốc đã bước đầu đề xuất các chương trình, dự án triển khai nội dung liên quan tới quá trình chuyển đổi số. Mặc dù còn một số khó khăn trong quá trình xây dựng, triển khai, nhưng các thư viện đã có sự chủ động trong việc chuyển đổi dữ liệu số hóa nguồn tài nguyên thông tin, đây được đánh giá là bước đi đúng hướng của các thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng trong điều kiện tình hình mới.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo ước tính của Hiệp hội người mù Thế giới, chưa đến 10% sách đã công bố được sản xuất ở định dạng dễ tiếp cận như chữ nổi, âm thanh, sách điện tử, chữ in lớn, ngôn ngữ kí hiệu… dành cho người khuyết tật chữ in. Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ này là dưới 1%.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu của Hội người mù và UNDP phối hợp thực hiện năm 2022-2023 khảo sát trên 1.217 người khuyết tật chữ in cho thấy, 62,1% người khuyết tật được hỏi cho rằng, sách/tài liệu khoa học tự nhiên dưới định dạng dễ tiếp cận còn rất khan hiếm hoặc không có; 61,2% cho biết, sách/tài liệu phục vụ nghiên cứu/công việc dưới định dạng dễ tiếp cận khan hiếm hoặc không có. Thậm chí, có tới 44,5% chia sẻ, sách giáo khoa/tài liệu học tập dưới định dạng dễ tiếp cận cũng rất khan hiếm, hoặc không có, dù rằng đây là những xuất bản phẩm cơ bản...

Sự thiếu thốn tài liệu ở định dạng dễ tiếp cận đã ngăn cản hàng chục triệu người không có khả năng đọc chữ in trên khắp thế giới phát huy tối đa tiềm năng con người; hạn chế cơ hội tiếp cận hoạt động giáo dục, việc làm, chăm sóc sức khỏe, văn hóa cũng như hầu hết mọi khía cạnh của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Từ đó, cho thấy trách nhiệm lớn lao của những người làm công tác thư viện đối với đối tượng bạn đọc là người khuyết tật chữ in trong việc tiếp cận về giáo dục, việc làm và phát triển bản thân.

Chính vì vậy, nội dung chương trình Tập huấn tập trung vào các chuyên đề giới thiệu các định dạng sách tiếp cận, thực hành chuyển đổi một số thể loại sách khác nhau như sách giáo khoa và truyện; chuyển đổi và in ấn sách chữ nổi với phần mềm Sao Mai Braille và Sản xuất sách Epub có giọng người đọc với Tobi. Ngoài ra, học viên tham dự lớp tập huấn được phổ biến, cập nhật và hướng dẫn triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức hoạt động và dịch vụ thư viện, công tác phục vụ người khuyết tật chữ in và các văn bản liên quan khác; một số định hướng đối với thư viện trong công tác phục vụ người khuyết tật chữ in.

“Chương trình tập huấn này là một diễn đàn quan trọng, giúp đội ngũ cán bộ thư viện nắm được kiến thức, kỹ năng cho công tác sản xuất, chuyển dạng nội dung tài liệu dễ tiếp cận cho đối tượng là người khuyết tật chữ in, bổ sung thêm nguồn tài nguyên trong thư viện. Đây cũng là một trong những cách thức để các thư viện vận dụng đầy đủ trong việc thực hiện hiệp ước Marakesh đối với những ngoại lệ cho đối tượng là người khuyết tật chữ in, nhằm bảo đảm cho họ thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng”, Vụ trưởng Kiều Thúy Nga nhấn mạnh.

Ông Đỗ Quang Trọng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao tầm quan trọng của khóa tập huấn, đồng thời bày tỏ mong muốn qua đây các học viên sẽ thu được những kiến thức bổ ích, hiệu quả phục vụ cho công tác tổ chức, quản lý các hoạt động thư viện nói chung và mô hình hoạt động, dịch vụ thư viện dành cho người khuyết tật nói riêng.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn, Ban Tổ chức đã trao tặng những phần quà sách giá trị hỗ trợ các thư viện còn khó khăn về tài nguyên thông tin, xây dựng thư viện cơ sở phục vụ người dân tại địa phương.