Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 19/6, Quốc hội thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Trong đó nội dung về đầu tư trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận.
Theo tờ trình của Chính phủ, nguồn lực huy động cho chương trình giai đoạn 2025-2030 là hơn 122.000 tỷ đồng; giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng, chủ yếu là vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Trong đó, đối tượng, phạm vi của chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài.. như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia. Đề xuất này nhằm triển khai các nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng không mới và rất khó khả thi. Theo đại biểu, việc đầu tư cơ sở vật chất ở các nước phát triển là vô cùng đắt đỏ, trong khi đó việc duy trì và phát triển hiệu quả những trung tâm văn hóa này lại gặp nhiều khó khăn. Hiện thiếu người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này, đồng thời vấn đề nhiệm kỳ cũng là rào cản lớn trong việc xây dựng các chương trình dài hạn và có chiều sâu.
“Nếu cứ theo cách đang làm, chúng ta cũng có thể có những trung tâm văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân, nhưng rồi cũng sẽ chết yểu hoặc sống ngắc ngoải như một vài cơ sở hiện nay.” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phân tích.
Theo đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nên chăng hỗ trợ các hội đoàn người Việt, kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ, vận hành các nhà hàng, ẩm thực, siêu thị, hàng hóa…
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo Nghị quyết 50 của Chính Phủ xác định cơ sở pháp lý của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 thực hiện theo Luật Đầu Tư công, do vậy cần xác định tính phù hợp của nội dung xây dựng các trung tâm văn hóa ở nước ngoài bởi chưa được quy định trong Luật Đầu tư công.
Tránh trùng lặp đối tượng thụ hưởng giữa các chương trình
Liên quan đến quy định các nhóm đối tượng thụ hưởng của chương trình, nhiều đại biểu còn băn khoăn, lo ngại bởi nếu không tính toán thận trọng, kỹ lưỡng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 có thể bị chồng lấn với các chương trình đã và đang được thực hiện. Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Ngoài ra, nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện.
“Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có dự án thành phần số 6 về bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 có nội dung thành phần số 6 là nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn và phát huy bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn thì cần được rà soát kỹ lưỡng tránh trùng lặp với nội dung của chương trình.” - đại biểu Nguyễn Văn Huy phân tích.
Theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cần tính toán ghép Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình hoặc loại bỏ các nội dung trùng lặp ra khỏi chương trình để tránh đầu tư dài trải, lãng phí.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng đề xuất này cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi mỗi chương trình, dự án có mục tiêu tổng thể và giai đoạn thực hiện khác nhau. Các nội dung về văn hóa được xây dựng phù hợp với mục tiêu riêng của từng chương trình, dự án. Việc điều chuyển và tích hợp vào Chương trình có thể gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong từng chương trình, dự án. Do đó, để bảo đảm hiệu quả các chương trình đang thực hiện, cần giữ nguyên các mục tiêu, dự án có liên quan đến lĩnh vực văn hóa thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt và đang thực hiện, không tích hợp vào Chương trình này../