Liên quan đến câu chuyện Hãng phim truyện Việt Nam, ngày 28/3, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu các cơ quan rà soát vi phạm khi cổ phần hóa và vướng mắc trong thực hiện kết luận thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị biện pháp xử lý khả thi để giải quyết dứt điểm vụ việc, báo cáo Thủ tướng trước 25/4.

Có lẽ không riêng gì các nghệ sĩ, nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam mà rất nhiều người yêu điện ảnh cũng đều đang nóng lòng trước thời hạn 25/4 - ngày được xem là “ngày phán quyết” cho số phận của một trong những biểu tượng văn hóa, “cánh chim đầu đàn” của điện ảnh cách mạng Việt Nam.

Đạo diễn - NSUT Bùi Trung Hải cho biết, lúc này tất cả anh em văn nghệ sĩ, công nhân viên Hãng phim đều đang rất chờ đợi để biết quyết định cuối cùng của Chính phủ, Bộ VHTT&DL, Cục Điện ảnh về hướng phát triển của Hãng phim sẽ như thế nào. “Chúng tôi tin rằng với thông báo mới đây của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao cho Bộ VHTTDL nhiệm vụ phải đưa ra phương án để củng cố và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam, tiếp tục phát huy truyền thống của Hãng thì mọi việc sẽ kết thúc tốt đẹp”.

Tuy nhiên, mong chờ, hồi hộp, kỳ vọng nhưng cũng không ít tâm tư, nhất là khi mới đây, sau phản hồi của Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành trước lá đơn kiến nghị của gần 20 nghệ sĩ Hãng phim về việc “cứu” 300 bản phim, bao gồm cả những bộ phim kinh điển bị hỏng nặng do sự thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm của Công ty Vận tải thủy Vivaso. Theo đó, Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết ông chia sẻ với các nghệ sĩ về những bức xúc trước thực trạng nói chung của Hãng phim cũng như tình cảnh của kho phim hiện giờ, tuy nhiên việc in lại toàn bộ phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế như đơn kiến nghị “là vấn đề chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn hiện nay cũng như không phù hợp theo quy định của Luật Điện ảnh”. Ông Thành cũng khẳng định, các bản phim gốc hiện đang lưu giữ tại Viện phim Việt Nam “đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu”.

Nhà dựng phim Nguyễn Ngọc Nga cho biết, không riêng gì chị mà các nghệ sĩ, nhân viên của Hãng, những người trong giới đều cảm thấy thật buồn với lời phản hồi này từ phía người đứng đầu Cục Điện ảnh. “300 bản phim, trong đó có nhiều phim từ thời kỳ đầu của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam cho tới ngày nay đã bị hủy hoại, mốc, dính bết không thể sử dụng được nữa. Đây là một tổn thất rất nghiêm trọng cả về mặt tinh thần và vật chất, vậy mà Cục Điện ảnh lại trả lời việc in lại 300 bộ phim là không cần thiết, không phù hợp? Các phim đi dự thi liên hoan phim trong và ngoài nước đều lấy từ kho phim của Hãng, còn bản lưu ở Viện phim Việt Nam chỉ để lưu chiểu, nên Cục trưởng nói cần sẽ lấy phim ở Viện phim ra phục vụ là sai”.

Trong khi đó, trên trang facebook cá nhân, nhà quay phim Lê Minh Hà thẳng thắn chia sẻ: “Tôi mong rằng các nhà quản lý văn hóa, các nhà quản lý điện ảnh, trước khi đưa ra những phát ngôn về 300 bộ phim nhựa ở Hãng phim truyện Việt Nam, hãy dành thời gian để nghiên cứu kỹ về kỹ thuật sản xuất phim nhựa; ghi hình, in tráng và lưu trữ (để bảo quản dữ liệu gốc) phim nhựa; phát hành và lưu trữ (bản phát hành) phim nhựa; số hóa phim nhựa”.

Phim nhựa đã không còn được sử dụng trên thế giới?

Trước đó, chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam, Phó TGĐ Vivaso khẳng định: “Hiện nay, không có nơi nào còn sử dụng máy chiếu phim nhựa, vì thế những phim nhựa này không còn được sử dụng nữa. Tại sao chúng tôi lại phải bỏ ra nhiều tiền, cơ sở vật chất lẫn con người để lưu trữ những phim này, trong khi bản gốc đã có ở Viện phim? Đây thực sự là một sự lãng phí vì nó chỉ là tài sản thông thường để khai thác, không phải di sản hay tài liệu quý của Nhà nước cần bảo tồn”.

Tuy nhiên qua tìm hiểu được biết, phim nhựa hiện vẫn đang được dùng nhiều trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ. Trong số các phim được đề cử giải Oscars năm 2020, số phim được quay bằng phim nhựa chiếm 52%, số phim quay bằng kỹ thuật số chiếm 48%. Các LHP quốc tế lớn, các sự kiện điện ảnh quốc tế lớn luôn sẵn sàng chiếu bản phim nhựa. Vì vậy những bản phim nhựa positive gốc như ở Hãng phim truyện Việt Nam ngoài việc là di sản văn hóa thì vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn, góp phần quảng bá văn hóa và điện ảnh Việt Nam.

“Cục trưởng Vi Kiến Thành cũng có nói tới việc Hãng phim không có nhiệm vụ lưu trữ. Nhưng theo chúng tôi được biết, quy mô lưu trữ của Viện phim là hạn chế, không thể lưu trữ quá nhiều phim. Do vậy, việc các Hãng khác như Hãng phim tài liệu, Hãng phim truyện, Hãng phim Quân đội… có kho lưu trữ phim chính là giảm gánh nặng rất nhiều cho Viện phim. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam và đã kéo dài từ hàng chục năm nay”, Đạo diễn - NSUT Bùi Trung Hải chia sẻ.

Đạo diễn Bùi Trung Hải cũng đặt câu hỏi, nếu trong trường hợp Hãng phim tài liệu hay Hãng phim Quân đội dừng, không lưu trữ nữa, liệu khi ấy Viện phim có đủ khả năng tiếp nhận cả kho lưu trữ rất lớn của các Hãng phim này không? Câu trả lời sẽ là KHÔNG, vì khả năng và kinh phí của Viện phim chắc chắn sẽ không thể đảm đương nổi.

“Khi đi dự LHP quốc tế, tôi thường xuyên lấy phim của mình từ kho của Hãng phim truyện và chiếu rất thành công ở nước ngoài, rất tiện lợi và không nhiều thủ tục. Ở tình trạng hiện nay, khi bản phim gốc đã bị hỏng, mọi việc trở nên rất khó cho nghệ sĩ. Họ có thể xin mượn một bản phim của mình ở Viện phim hay không?! Khi mà Viện phim cũng chỉ còn một bản positive gốc, liệu Viện phim có dám cho mượn? Chắc chắn là không. Do vậy theo tôi, luôn luôn nên có 2 bản gốc. Nếu chỉ có một bản gốc thì bản gốc đó sẽ không bao giờ được trình chiếu và sẽ mãi mãi nằm trong kho vì sợ bị hư hỏng”, Đạo diễn - NSUT Bùi Trung Hải phân tích.

Cần một sự xử lý thoả đáng, công khai, minh bạch

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, ngay đến những phận người còn bị Vivaso bỏ mặc không lương, không bảo hiểm, mất hết quyền lợi của một người lao động, thì việc “rũ trách nhiệm” với những thứ vô tri vô giác như máy móc, phim ảnh… cũng không có gì là khó hiểu.

Đã đến lúc không thể thờ ơ! Các cơ quan có trách nhiệm (đặc biệt là Bộ VHTT&DL) cần có những nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, chuyên sâu, xác đáng về thiệt hại của việc hư hỏng 300 bộ phim kinh điển của Điện ảnh Việt Nam, những bộ phim thấm đẫm mồ hôi, xương máu của bao thế hệ nghệ sĩ đi trước, có thể xem là di sản văn hóa của cả dân tộc. Từ đó có những phương án xử lý hợp tình, hợp lý.

Cùng với câu chuyện kho phim, đó còn là những nỗi niềm đau đáu với những thiệt hại về cơ sở vật chất trong quá trình cổ phần hóa, khiến đơn vị bị bỏ hoang. Nhiều người mong chờ kết quả rà soát của Thanh tra Chính phủ ngày 25/4 tới, với hy vọng mở ra tương lai cho Hãng. Trước mắt, vấn đề thoái vốn của Vivaso cần phải được giải quyết dứt điểm, người lao động phải được đóng nối bảo hiểm sau những năm bị cắt quyền lợi một cách vô lý. Và hơn hết, đó là sự kỳ vọng về một hướng đi mới với đơn vị tiếp quản mới có định hướng rõ ràng, có trách nhiệm và biết trân trọng những giá trị nghệ thuật, sự sáng tạo nghệ sĩ…