Thời gian gần đây, TP Đà Lạt trở thành một điểm sáng về các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí ở khu vực phía Nam. Ca sỹ Mỹ Tâm, Trung Quân Idol, Hiền Hồ, Chu Thúy Quỳnh, Lệ Quyên... sắp tới đều lên Đà Lạt tổ chức đêm nhạc. Một số đạo diễn như Victor Vũ, Nam Cito... chọn Đà Lạt làm địa điểm quay phim vì những bối cảnh nên thơ. Mới đây, Bộ VH-TT&DL và UNESCO cũng gợi ý Đà Lạt làm hồ sơ gia nhập Mạng lưới TP Sáng tạo UNESCO, qua đó biến văn hóa thành một động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế.

Đà Lạt có những lợi thế nào để phát triển các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí? Chính sách, quan điểm, chiến lược, đường hướng tương lai ra sao? PV VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng về những vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, Hội nghị Văn hóa Toàn quốc diễn ra cuối năm ngoái đã định vị lại vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong nền kinh tế quốc dân, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, những chỉ số phát triển cho văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến 2030. Với vị trí và vai trò một tỉnh quan trọng của khu vực Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng đã cụ thể hóa những chỉ đạo của Ban Bí thư – Bộ Chính trị và Hội nghị đó như thế nào trong việc phát triển văn hóa ở địa phương?

Ông Trần Thanh Hoài: Sự quan tâm của Đảng – Nhà nước với khu vực Nam Tây Nguyên lâu nay không chỉ ở lĩnh vực chính trị - kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa. Sau Hội nghị Văn hóa lần thứ 4 cực kì quan trọng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo với phương châm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” từ hồn cốt của Đề cương Văn hóa 1943, sau hội nghị đó các địa phương cũng đã phải định vị lại văn hóa của mình, đặc biệt với vùng Nam Tây Nguyên.

Lâm Đồng có diện tích khoảng 1 triệu ha, dân số 1,3 triệu người, 47 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng có một điểm độc đáo (ngay cả ở tầm thế giới), theo tôi là rất lạ: đấy là thành phố ôn đới duy nhất trong lòng một đất nước nhiệt đới. Thành phố nhiệt độ quanh năm từ 18 – 24 độ thì không phải nơi nào cũng có. Có nơi quá lạnh, nơi quá nóng, nơi lại quá ẩm nhiều mưa. Chính vì vậy Đà Lạt là thành phố hội tụ của nhiều cảm xúc. Có lẽ cũng chính vì lí do này mà Bộ VH-TT&DL và UNESCO đã gợi ý Đà Lạt tham gia Mạng lưới thành phố Sáng tạo của UNESCO.

Phóng viên: Vậy từ góc nhìn của lãnh đạo ngành văn hóa ở địa phương, theo ông Đà Lạt có thế mạnh gì khác biệt - để không chỉ cạnh tranh và tạo dấu ấn ở Việt Nam mà còn trong phạm vi các thành phố quốc tế - khi tham gia vào Mạng lưới Tp Sáng tạo UNESCO?

Ông Trần Thanh Hoài: Mạng lưới Tp Sáng tạo của UNESCO chia thành 7 hạng mục:

1. Thiết kế

2. Ẩm thực

3. Điện ảnh

4. Văn học

5. Âm nhạc

6. Nghệ thuật Dân gian

7. Nghệ thuật Truyền thông

Vừa rồi Đà Lạt dự kiến tham gia ở hạng mục Ẩm thực, nhưng theo tôi – với tư cách một người nghiên cứu về văn hóa Đà Lạt, Lâm Đồng hơn 20 năm – môi trường Đà Lạt phải là ở mảng Âm nhạc, Văn học, Mỹ thuật hoặc Điện ảnh. Trong tư duy của cá nhân tôi rất muốn biến Đà Lạt thành một phim trường, khi trở thành phim trường rồi thì tự du khách sẽ tìm tới, trước hết để làm phim. Thời gian qua mặc dù han chế bởi dịch bệnh nhưng vẫn có hàng chục đoàn phim lên đây tác nghiệp.

Một số sự kiện văn hóa đáng chú ý sắp diễn ra tại Đà Lạt

- Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng diễn ra từ 23/4 - 30/4/2022 gồm các hoạt động: Triển lãm ảnh nghệ thuật Hương Sắc Cao Nguyên, Không gian giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng,

- Ngày hội Văn hóa đọc tỉnh Lâm Đồng diễn ra từ ngày 21/4 - 25/4

Đà Lạt tự thân nó đã là một không gian văn hóa sáng tạo rồi! Có một vị lãnh đạo ngoại giao đã từng nói đùa với tôi rằng, khi họp các hội nghị bàn luận căng thẳng nhưng mà chỉ cần tổ chức ở Đà Lạt thì người ta cũng dịu đi, không muốn cãi nhau nữa mà chỉ muốn nói những lời yêu thương, hòa bình (cười). Đó là câu nói đùa thôi nhưng cho thấy vị lãnh đạo đó cũng đánh giá cao môi trường văn hóa ở Đà Lạt.

Phóng viên: Như ông vừa nói thì chúng ta hoàn toàn có thể biến Đà Lạt thành một thành phố chuyên tổ chức các hội nghị chính trị - ngoại giao để nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của thành phố, của tỉnh cũng như của Việt Nam trên trường quốc tế?

Ông Trần Thanh Hoài: Đúng vậy! Việc đó không phải bây giờ mới diễn ra! Từ tháng 4 đến tháng 5/1946, phái đoàn Hội nghị Ngoại giao Đà Lạt do Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ông Nguyễn Tường Tam đã vào đây để đàm phán với chính quyền Pháp về Hội nghị Tiền Fontainebleau trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán chính thức. Hội nghị đó là dấu ấn lịch sử cho thấy Đà Lạt là nơi có thể tổ chức nhiều sự kiện chính trị ngoại giao quan trọng của đất nước.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã có những chia sẻ với Đài TNVN.