Ở nước ta, ý niệm về di sản công nghiệp vẫn còn khá mới mẻ và lạ lẫm với đông đảo công chúng. Bởi khi nói đến di sản văn hóa thường người ta nghĩ đến đình, chùa, miếu mạo hay các khu lăng tẩm, các công trình kiến trúc nghệ thuật... chứ không nghĩ đến những khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp lại có thể trở thành di sản.

Theo định nghĩa của TICCIH (Uỷ ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp), di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” (như các giá trị lịch sử, khoa học, công nghệ, xã hội, kiến trúc… và những giá trị khác), bao gồm các toà nhà, công xưởng, máy móc, các mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp (như nhà ở, nơi thờ phụng, các thực hành nghi lễ tôn giáo, các cơ sở đào tạo… cho công nhân – lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó).

Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hoá nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc (mang tính cách mạng) trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự “thông thái” được kế thừa; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.

Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường ĐH Xây dựng HN, các di sản công nghiệp mang nhiều giá trị và ý nghĩa. Đầu tiên, đó là giá trị lịch sử, là bằng chứng của các hoạt động sản xuất theo phương thức công nghiệp, đã và đang tiếp tục để lại những hệ quả sâu sắc đến ngày nay. Tiếp đến là giá trị xã hội: đánh dấu một sự bắt đầu của một tầng lớp xã hội, một cộng đồng dân cư…Tiếp đến là giá trị về công nghệ và khoa học trong lịch sử của sản xuất, ví dụ như đánh dấu sự hình thành và phát triển của một ngành nghề hoặc của một công nghệ kỹ thuật… hoặc giá trị về kiến trúc.

Rất nhiều ví dụ thành công tại Châu Âu và trên thế giới đã cho thấy việc chuyển đổi các cơ sở công nghiệp cũ thành không gian văn hóa, nuôi dưỡng sáng tạo. Đây cũng được đánh giá là mô hình có tính nhân văn và có ý nghĩa trong sự phát triển bền vững bởi các dự án chuyển đổi này luôn mang đến tác động tích cực cho các vùng lân cận và được người dân đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống của họ. Thế nhưng ở nước ta, hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ có tới hàng trăm nhà máy, xí nghiệp cũ trong nội đô cần phải di dời hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Đáng lưu ý là hiện cũng chưa có một khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cũ nào được công nhận là di sản. Thực tế, trong quá trình phát triển đô thị, nhiều di sản công nghiệp có giá trị chưa được đánh giá đúng và bị “xóa sổ” không còn dấu vết, ví dụ như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội) từng in dấu trong lịch sử công nghiệp ở miền Bắc, nhà máy Dệt 8-3 (Hà Nội) giờ đây cũng bị thay thế bởi một khu cao ốc, hay nhà máy Dệt Nam Định (Nam Định), Nhà máy đóng tàu Ba Son (TP Hố Chí Minh)…. Để hạn chế tình trạng đáng tiếc này, theo TS KTS Trương Ngọc Lân, cần sớm xây dựng bộ tiêu chí nhận diện di sản công nghiệp.

Một điều hiển nhiên rõ ràng là di sản công nghiệp có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa đô thị, tạo bản sắc riêng cho đô thị. Câu hỏi quan trọng được đặt ra đó là chúng ta cần phải làm gì và làm thế nào để “đánh thức” di sản công nghiệp? Trả lời câu hỏi này PGS TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa- Giáo dục của Quốc hội khóa XV nhận định : “Trong bối cảnh hiện nay, các khu chứa đựng nhiều ký ức cũ, chứa đựng dấu ấn của một giai đoạn lao động ở các đô thị có thể trở thành địa điểm khai thác du lịch bởi nó mang bản sắc riêng của địa phương. Việc giữ gìn các khu di sản công nghiệp ấy giúp chúng ta lưu giữ được ký ức, bản sắc và đặc biệt nó không tạo ra áp lực đô thị hóa. Đó là giải pháp tốt để chúng ta xây dựng TP đáng sống hiện nay. Để đánh thức được những di sản này thì chúng ta cần có những nghiên cứu, lập quy hoạch những địa điểm công nghiệp quan trọng. Chúng ta cũng cần có sự chung tay của nhà nước, của doanh nghiệp và của tư nhân trong việc quản lý, phát huy các di sản công nghiệp này. Trong đó nhà nước đóng vai trò ban hành các chính sách, còn doanh nghiệp và tư nhân có thể đưa ra những ý tưởng, xây dựng và thực hiện các dự án để tạo cho các khu CN cũ một sức sống mới, góp phần phát triển bản sắc các đô thị."

Còn PGS TS KTS Phạm Thúy Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, để đánh thức và phát huy giá trị của di sản công nghiệp chúng ta cần bắt tay vào làm ngay, nếu không nhiều di sản công nghiệp có giá trị sẽ bị “xóa sổ” một cách đáng tiếc: “Tôi nghĩ là đầu tiên chúng ta phải cùng nhau chia sẻ rộng rãi hơn nhận thức về di sản công nghiệp và tầm quan trọng, ý nghĩa của nó trong tiến trình phát triển. Chia sẻ bằng các nào? Bằng cách lồng ghép vào các chương trình đào tạo và truyền thông như chương trình đạo tạo kiến trúc sư, cử nhân văn hóa… hay đưa vào các tài liệu hướng dân thi hành luật di sản, luật kiến trúc. Di sản công nghiệp cần phải được là một nhánh đưa vào hành lang pháp lý để bảo vệ. Thứ hai là chúng ta cần rà soát, đánh giá lại các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp cũ và lựa chọn những điểm thực sự có giá trị di sản để bảo vệ bằng hành lang pháp lý. Đồng thời với việc xây dựng mô hình khai thác, có thể mô hình do nhà nước quản lý, có thể là hợp tác công - tư, có thể là mô hình do cộng đồng doanh nghiệp vận hành với yêu cầu là nó phải phục vụ cộng đồng và phát triển kinh tế” – PGS TS Phạm Thúy Loan nhấn mạnh.

TS KTS Trương Ngọc Lân cũng đồng tình rằng chúng ta cần thực hiện quy trình 3 bước, đó là rà soát, phân loại, đánh giá di sản công nghiệp, thứ hai là bảo vệ bằng hành lang pháp lý và thứ 3 là phát huy bằng cách huy động các nguồn lực từ xã hội và nhà nước. Và di sản công nghiệp cần phải được nhận thức là di sản văn hóa đặc biệt. “Chúng ta cần bổ sung vào Luật di sản văn hóa về xếp hạng các di sản công nghiệp. Thứ hai là cần xây dựng và ban hành một số quy định cho phép giữ gìn và phát huy di sản công nghiệp. Thứ ba là nên cởi trói về việc quản lý tài sản để bảo tồn thích ứng đối với di sản công nghiệp, bởi các khu di sản công nghiệp đều là tài sản công, quy định hiện hành là không được chuyển đổi công năng”

Không thể phủ nhận di sản công nghiệp chứa đựng những giá trị ký ức, lịch sử và có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đô thị, nhưng đến nay việc phát huy tiềm năng của nó vẫn chưa được như mong muốn. Để xây dựng, vận hành một khu di sản công nghiệp đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Để giải quyết bài toán về nguồn lực, nhiều ý kiến cho rằng cần xây dựng quỹ hoặc thực hiện xã hội hóa.

Tiềm năng di sản công nghiệp ở nước ta là rất lớn. Nếu đầu tư quy hoạch, xây dựng và phát huy tốt các khu di sản công nghiệp sẽ là “mũi nhọn” cho sự phát triển công nghiệp văn hóa, một hướng đi quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất là có nhận thức và đánh giá đúng về vai trò, ý nghĩa của di sản công nghiệp, nhất là nhận thức của những người làm chính sách, để từ đó có những chính sách phù hợp tạo đòn bẩy để đánh thức tiềm năng và phát huy có hiệu quả những giá trị của di sản công nghiệp.

Mời quý vị và các bạn nghe âm thanh tại đây: