Cuộc sống hiện đại đôi khi khiến mọi người cuốn vào vòng xoáy của công việc để rồi khi về nhà, bữa cơm cũng qua loa, đại khái. Vậy nhưng, gần 10 năm sau khi kết hôn, chị Trần Hồng Hải ở phố Trần Điền, Hà Nội dù bận rộn đến đâu vẫn cố gắng duy trì bữa cơm sum họp vào mỗi tối.

Bữa cơm với những món ăn đơn giản như là canh cua mồng tơi, cà muối, thịt kho... nhưng việc cả nhà cùng vào bếp, cùng ăn bữa cơm, nói chuyện vui vẻ cũng đủ làm ấm lòng mỗi người. Trong bầu không khí ấy, cậu con trai lớn ra dáng đàn anh vẫn thường giúp mẹ những việc vặt như cùng mẹ nhặt rau, cắm cơm, xếp đũa bát ra bàn... Ngày nào sớm cũng 7h30 gia đình chị Hải mới ăn tối, hai cháu nhỏ dù đói nhưng vẫn không quên mời bố mẹ trước khi dùng bữa.

Để các con nhớ nếp như vậy, vợ chồng chị Hải luôn phải làm gương cho các con. Anh Nguyễn Văn Phúc, chồng chị Hải cho biết: Hai bé còn nhỏ tuổi, không tránh khỏi những hành động tự phát, nhưng nếu cha mẹ kịp thời uốn nắn, nhắc nhở sẽ dần hướng trẻ hình thành thói quen tốt, ngay từ việc ứng xử trên mâm cơm như thế nào, mời người lớn ra sao, cách ăn uống thế nào cho đúng...

Một bữa cơm đơn giản không chỉ gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau mà điều quan trọng là trẻ sẽ cảm nhận được sự ấm áp yêu thương khi được cùng bố mẹ nấu nướng, dọn dẹp. Đó sẽ luôn là những hình ảnh đẹp theo các em trong suốt cuộc đời.

Với gia đình anh Nguyễn Đức Hiếu ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cũng vậy. Công việc của vợ anh Hiếu quá bận rộn, thường xuyên phải đi công tác, lại muốn đảm bảo bữa tối của gia đình luôn ấm cúng, đầy đủ và an toàn cho các con nên anh luôn chăm chỉ đi chợ, nấu cơm. Hiện nay, hai con của anh Hiếu cũng đã lớn, một cháu học lớp 4, một cháu sắp vào lớp 1. Ngày nghỉ, thấy bố mẹ nấu cơm, chúng cũng chạy lăng xăng phụ giúp, đứa bê bát, đứa dọn mâm… Bọn trẻ cũng tỏ ra thích thú với công việc mà mình đang làm.

Cũng như gia đình chị Hải, anh Hiếu, gia đình ông Nguyễn Văn Nhã ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng luôn chú trọng giáo dục các con các cháu nền nếp gia đình qua từng bữa ăn.

Gia đình ông Nhã có 9 người ở 4 thế hệ khác nhau cùng chung sống dưới một mái nhà. Ngày thường, phần lớn các thành viên đều đi làm nên bữa cơm tối do một tay bà Trần Thị Nga – vợ ông Nhã đảm nhận. Bà không chỉ là người con dâu thảo hiền mà còn là một người nội trợ rất chu toàn. Để có một bữa ăn ngon cho cả nhà, bà thường làm những món ăn dân dã theo nhiều chế độ khác nhau như thịt băm, đậu phụ dành cho người già, trứng tráng dành cho hai cháu nhỏ còn thịt gà, lạc rang... cho vợ chồng ông Nhã và người con trai uống bia lai rai. Và, như thường lệ, bao giờ các con các cháu cũng mời hai cụ, ông bà, những người lớn tuổi trước khi ăn cơm. Thói quen đi thưa về hỏi, mời trước khi ăn cơm đã trở thành nền nếp trong gia đình.

Chị Lê Thị Hồng Nhung, con dâu ông Nhã cho biết, khi mới về làm dâu, chị cũng cảm thấy vất vả bởi phải lo toan nhiều thứ cho bữa cơm hằng ngày, nhất là khi giỗ, Tết, nhưng lâu dần, dưới sự hướng dẫn của bố mẹ chồng, chị nhanh chóng thích nghi. Sống trong nếp nhà như vậy, chị cũng dạy các con được nhiều điều.

Trong guồng quay của xã hội hiện đại, việc giữ nếp nhà là điều không dễ. Gia đình có nền nếp gia phong thì mới có hạnh phúc bền vững. Đây là cả một chặng đường dài mà bố mẹ, con cái đều phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí là hy sinh những ham muốn cá nhân.