Nằm bên dòng sông Vông thơ mộng, đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là một quần thể di tích có quy mô rộng lớn bao gồm: đền thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình Thị Hoàng Hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) gắn với những huyền thoại về một làng chèo, làng ca trù và đền thờ vị tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu - người đã có công truyền dạy cho nhân dân làng Đồng Xâm nghề vàng bạc cao quý.
- Đền Đồng Xâm có 12 hạng mục kiến trúc, trong đó đáng chú ý nhất là tòa hậu cung nơi Thánh Triệu Đà và Trình Thị Hoàng Hậu ngự.
- Tòa hậu cung đền Đồng Xâm được cấu trúc thành hai bộ phận liên hoàn là tòa điện năm gian nối với gian trung tâm, phần “chuôi vồ” được tôn cao để đặt khám gian.
- Mặt tiền đền Đồng Xâm đắp nổi 3 chữ “nhất thống thủy” bằng gốm sứ cổ xưa. Đây là ý của tiền nhân nhắn nhủ hậu thế về dòng chảy lịch sử nước Việt. Hậu cung đền được bài trí công phu với nhiều đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm tinh xảo.
- Lễ hội đền Đồng Xâm diễn ra từ ngày 1-3/4 Âm lịch có nhiều hoạt động như Rước kiệu Thánh Hậu, lễ dâng hương, tế lễ... cùng các trò chơi dân gian truyền thống như: bơi chải truyền thống, biểu diễn múa rối nước.

Đền Đồng Xâm tọa lạc ở vị trí có phong thủy đẹp, phía trước có dòng sông, nhà thủy tạ gồm 6 cửa vòng quay ra 6 hướng. Phía trước đền có 2 cây cầu hai bên, có sông, ngũ hổ chầu vào sân tạo sự uy nghi, trang nghiêm.
Ở ngay khu trung tâm của quần thể di tích Đền Đồng Xâm còn có đền thờ tổ nghề ông Nguyễn Kim Lâu. Theo sử sách để lại, khoảng đầu thế kỷ XV, ông Nguyễn Kim Lâu vốn làm nghề hàn xanh, hàn nồi đồng lên Châu Bảo Lạc (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) hành nghề và học được nghề kim hoàn, sau đó trở về làng truyền lại nghề chạm bạc cho dân. Để tỏ lòng biết ơn người đã có công khai sáng nghề, những người thợ chạm bạc ở Đồng Xâm đã tôn ông là sư tổ nghề và lập đền thờ ông.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Trưởng ban Quản lý đền thờ tổ nghề mỹ nghệ kim hoàn Đồng Xâm cho biết: Dịp lễ hội tất cả các lớp thợ đều về thắp hương tưởng nhớ tới công đức của người thầy đã dạy truyền nghề cho người dân trong làng. Ban đầu đền thờ chỉ là một am thờ nhỏ, sau nhiều lần được các lớp thợ nghề và dân làng tôn tạo, tu sửa, đến nay ngôi đền vẫn giữ được nét cổ xưa của văn hóa Việt như văn bia cổ bằng đá xanh, giếng ngọc 600 năm tuổi và cây thị cổ quanh năm tỏa bóng mát. Trong đền vẫn lưu giữ sắc phong của vua Khải Định thứ 9, bộ đồ thờ bằng bạc do người Đồng Xâm chế tác, lưu giữ, bảo vệ như báu vật của nghề tổ.

Hiện tại xã Hồng Thái còn lưu giữ được 5 đạo sắc cho Triệu Vũ Hoàng Đế Nam Hải Tôn Ninh Đại Vương và Hoàng Hậu Trịnh Phu Nhân của các niên hiệu Dương Hoà, Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng (nhà Lê) và Thiệu Trị, Khải Định (nhà Nguyễn). Đến nay, Đền Đồng Xâm còn giữ được 8 bài hát ca trù tế thánh, đã được đưa vào hồ sơ UNESCO công nhận ca trù di sản văn hoá phi vật thể bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào ngày 01/10/2009.
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Di tích đền Đồng Xâm đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân, tạo nên một lễ hội đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng.
Với những giá trị lịch sử văn hoá độc đáo, Đền Đồng Xâm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990.