Hà Nội là vùng đất văn hiến, có mật độ dày đặc di tích văn hóa, lịch sử. Trong đó có rất nhiều di tích thời Lý- Trần. Một trong những di tích đó là Đền Yên Thành, ngôi đền được người dân trong vùng xây dựng cách đây hơn 600 năm làm nơi phụng thờ Vua Bà Lý Chiêu Hoàng – vị vua thứ 9, cũng là đời vua cuối cùng của nhà Lý.
Theo các nguồn tư liệu lịch sử, Đền Yên Thành được xây dựng khá sớm trong lịch sử. Tên của ngôi đền là tên gọi theo địa danh của làng Yên Thành xưa. Vào thời Lê, Yên Thành là một trong số 8 làng có tên gọi bắt đầu bằng chữ “Yên”, thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Tám làng đó ở vị trí giữa Trúc Bạch và hồ Mã Cảnh (Cổ ngựa). Tám làng có vị trí từ đông sang tây là: Yên Thuận, Yên Ninh, Yên Thành, Yên Viên, Yên Cảnh, Yên Diên, Yên Định và Yên Quang.
Theo cuốn thần tích còn lưu tại đền và sách “Đại việt sử ký toàn thư” kỷ nhà Lý có chép về sự tích của Vua bà Lý Chiêu Hoàng như sau: “…Mùa đông tháng 10 xuống chiếu lập Công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái Tử để truyền ngôi cho. Chiêu Thánh lên ngôi đổi Niên hiệu là Chiêu hương Hữu Đạo năm thứ nhất tên hiệu là Chiêu Hoàng… Chiêu Hoàng huý là Phật Kim sau đổi thành Thiên Hinh là con gái thứ của Lý Huệ Tôn, mẹ là Trần Thị. Vì Vua Huệ Tôn không có con trai nên lập con gái là Hoàng Thái Tử…”. Tháng 12 năm Ất Dậu, do sự sắp đặt của Thái sư Trần Thủ Độ (vị Tiền Điện chỉ huy sứ coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài Thành), Vua bà Lý Chiêu Hoàng lấy chồng là Trần Cảnh mới 8 tuổi và sau đó nhường ngôi cho chồng, trở thành Hoàng hậu Chiêu Thánh của Triều Trần. Sống với Vua Trần nhiều năm mà con cái muộn mằn, nên có nỗi buồn mênh mông, bà dâng biểu tâu vua xin ra khỏi cung đi ngao du thiên hạ thăm phong cảnh và giảng kinh thuyết pháp ở nhiều nơi. Bà bỏ nhiều tiền để phát chẩn cứu đói cho dân.
Năm 1258, bà được gả cho Lê Phụ Trần, một vị tướng tài danh, họ sống thuận hoà với nhau và sinh được một người con trai và một người con gái. Bà qua đời năm 61 tuổi.
Hoàng hậu Chiêu Thánh là người nhân hậu, từ bi, quảng đại. Bà đã giúp dân làng Yên Thành và dân làng Giao Tự - Kim Sơn, Gia Lâm làm ăn sinh sống, bỏ tiền sửa sang miếu thờ, phát chẩn cho dân nghèo. Khi sống thì hiền thục, lúc hoá thì linh ứng phù giúp nước lập công, bà được các triều vua phong tặng là Phật Kim Thượng hoàng Thái hậu linh ứng phụ quốc hiển hậu khang dân chi thần. Thời Lê Thái Tổ, Bà được phong là Hoàng Nga uyển mỵ phu nhân linh ứng. Hiện nay, tại đền Yên Thành còn lưu một đôi câu đối có nội dung ca ngợi công đức của bà như sau:
Vạn cổ linh quang hồ Thượng miếu
Thiên thu thắng tích nữ truy vương.
Nghĩa là:
Muôn thưở rạng rỡ linh thiêng toà miếu bên bờ hồ
Nghìn năm di tích nổi danh là vị vua trong nữ giới.
Sau khi Bà mất, nhân dân Yên Thành ghi nhớ công ơn đã lập đền thờ phụng và tôn Bà là thành hoàng làng.
Ông Nguyễn Tiến Nghĩa, Thủ từ đền Yên Thành cho biết: “Theo các cụ ngày xưa truyền phả lại thì ngôi đền này có từ cách đây hơn 600 năm, khi vua bà Lý Chiêu Hoàng mất khoảng mấy chục năm sau thì nhân dân tưởng nhớ đến công ơn của Bà thì dựng lên thành Thành Hoàng làng và dựng đền để thờ phụng”.
So với nhiều ngôi đền khác, đền Yên Thành có khuôn viên nhỏ, chỉ hơn 200m, có kết cấu kiến trúc kiểu chữ đinh, bao gồm: Nhà tiền tế 3 gian, 2 chái quay hướng Đông nhìn ra mặt phố Phan Huy Ích, hai bên bậc lên thềm có đôi rồng đá nằm chầu. Phía trong là nhà thiêu hương, hai bên có hành lang tả- hữu với các ban thờ nhỏ. Tòa hậu cung 3 gian xây chạy dọc về phía sau. Điểm nổi bật của ngôi đền chính là sự giao thoa về kiến trúc và nghệ thuật giữa thời Lý và thời Trần.
Không chỉ là một công trình đặc sắc với nghệ thuật trang trí chạm nổi hình rồng, hình lá đề, vân xoắn, diềm mái phía trước tiền tế có hình hổ phù, hoa lá, chữ triện…. đền Yên Thành còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý có giá trị văn hoá nghệ thuật như hương án, sập thờ, cửa võng, kiệu rước, thần tích, câu đối, bia đá, chuông đồng, khánh đá... đặc biệt là 5 đạo sắc phong thần của các triều đại phong tặng vua bà Lý Chiêu Hoàng cùng 21 pho tượng tròn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX.
Trải qua thời gian, đã có lúc ngôi đền xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền và người dân nơi đây đã nhiều lần cùng nhau đóng góp để trùng tu, tôn tạo lại đền, góp thêm nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về các đời vua nhà Lý và lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Đền Yên Thành là một minh chứng lịch sử về dấu tích của Triều đại nhà Lý trên đất Thăng Long hơn 1000 năm tuổi. Di tích là một địa chỉ mang giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo qua các thời kỳ lịch sử, đòi hỏi thế hệ trẻ cần gìn giữ và bảo tồn.
Tại đền Yên Thành, hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng 3 âm lịch (là ngày vua Lý Công Uẩn đăng quang) và ngày 23/9 âm lịch (là ngày mất của Bà Lý Chiêu Hoàng), người dân lại tổ chức lễ hội vừa để tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng làng vừa nhắc nhở thế hệ sau giữ gìn những truyền thống tốt đẹp.
Mời nghe nội dung bài viết tại đây: