Tuần qua, trong bối cảnh hệ thống rạp chiếu nhiều nơi trên thế giới – nhất là khu vực châu Á – vẫn phải đóng cửa vì dịch bệnh, thì có một sự kiện khá thú vị diễn ra: trailer bom tấn "Spider-Man: No way home” do Sony hợp tác với Marvel sản xuất phá kỷ lục số lượt xem của “Avengers: Endgame” trên nền tảng Youtube, đạt 355,5 triệu lượt xem (so với 289 triệu lượt). Đoạn giới thiệu về "Spider-Man: No Way Home” gây tò mò khi có sự xuất hiện của phù thủy tối thượng Doctor Strange, hay sự tái xuất của Doctor Octopus báo hiệu một vũ trụ đan xen tất cả các phần phim Người Nhện từng ra mắt trước đây.

Đoạn “nhá hàng” chỉ kéo dài 3 phút 3 giây này đã ghi nhận những con số tích cực trên các nền tảng mạng xã hội: 4,5 triệu lượt đề cập trên toàn thế giới. Những con số này nói lên điều gì? Đó là: sự tò mò và thèm khát của khán giả với những “bom tấn” chất lượng là có thật. Nhu cầu xem phim tại rạp – sau thời gian dài không thể vì dịch Covid-19 - đang như chiếc lò xo bị nén lại chỉ chờ thời điểm bung ra.

Giữa lúc đó, CinemaCon – sự kiện lớn nhất dành cho các nhà phát hành phim trên toàn thế giới được tổ chức để tìm kiếm những “con gà đẻ trứng vàng” hứa hẹn làm bùng nổ các rạp chiếu trong thời gian 1 năm tới, thời điểm được dự đoán là dịch bệnh Covid-19 sẽ cơ bản được khống chế trên toàn thế giới.

“CinemaCon lâu nay vẫn được coi là hội chợ để các xưởng sản xuất phim ở Hollywood mang đến quảng cáo những thước phim xuất sắc đang ấp ủ mà chưa từng được công chiếu", kí giả Carolyn Giardina của tờ báo chuyên về điện ảnh Hollywood Reporter cho biết. "Năm ngoái, sự kiện này đã không thể tổ chức vì đại dịch. Năm nay, CinemaCon được tái khởi động khi gần 90% các rạp chiếu phim tại Mỹ đã mở cửa trở lại, được coi là dịp để khẳng định về tương lai của ngành chiếu phim màn ảnh rộng”.

Ngoài trailer "Spider-Man: No Way Home”, Sony còn mang đến CinemaCon 2021 nhiều sản phẩm hứa hẹn như các đoạn trailer của "Ghostbusters: Afterlife", “Bullet Train” với sự tham gia của tài tử Brad Pitt, “Venom” dự kiến phát hành vào tháng 9 năm nay hay “Morbius” sẽ ra mắt trong năm sau.

beta-cineplex-my-dinh-ha-noi.jpg

CinemaCon năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn lan rộng do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 khiến kinh đô điện ảnh Hollywood phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Cũng vì dịch bệnh, nhiều vị khách trong danh sách khách VIP đã không thể xuất hiện tại Las Vegas. Các nhà tổ chức đã công bố các quy định phòng dịch với người tham gia, trong đó có yêu cầu phải có chứng nhận tiêm chủng hoặc có xét nghiệm âm tính với virus được thực hiện gần đây.

Trong thời gian đại dịch, các hãng phim lớn trên thế giới như Warner Bros, Universal hay Paramount vẫn có thể xoay sở được nhờ tích cực đưa phim lên các nền tảng trực tuyến để đến với công chúng. Nhưng về lâu dài, trải nghiệm điện ảnh tại rạp vẫn là điều cốt lõi với ngành công nghiệp này.

Trong khi các hãng phim truyền thống dần dần tự biến mình thành các đối thủ mới trong cuộc cạnh tranh trên nền tảng trực tuyến, Sony là hãng phim lớn duy nhất tại Hollywood đứng ngoài cuộc chơi này. Studio từng được xem là lớn nhất trong 7 hãng phim ở Hollywood hiện không có kênh streaming nào mà dành toàn tâm toàn ý cho ngành chiếu phim màn ảnh rộng (dù họ vẫn kí hợp đồng phần phối sản phẩm trên nền tảng trực tuyến với Netflix).

Josh Greenstein, giám đốc bộ phận rạp chiếu cuả Sony Pictures, khẳng định: “19 tháng qua là thời điểm nhiều thử thách và đen tối nhất của hệ thống rạp chiếu toàn cầu, nhưng tin tôi đi, đã có những tia sáng cuối đường hầm rồi. Chúng ta đang ở trong thời đại các nền tảng streaming lên ngôi, nhưng trải nghiệm điện ảnh tại rạp vẫn là một điều gì đó khó thay thế. Chắc chắn ngành này sẽ có sự hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch”.

Vị đại diện Sony cho rằng, dựa trên sự thành công của một số bộ phim chiếu rạp mới ra mắt thời gian gần đây như “Free Guy” có thể khẳng định các rạp chiếu phim vẫn là lựa chọn của khán giả muốn thưởng thức những bộ phim điện ảnh thay vì xem ở nhà.

Trong khi đó, nhà báo Kaleem Aftab của kênh truyền hình trả tiền ITV phân tích nhân loại nói chung và ngành chiếu phim nói riêng từng đứng trước một đại dịch còn khủng khiếp hơn Covid-19 nhiều, nhưng vẫn có được sức bật hồi sinh mạnh mẽ: “Từ năm 1918 đến 1920, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã cướp đi mạng sống của hơn 50 triệu người trên toàn thế giới. Khi dịch xảy ra, tất cả các rạp chiếu trên toàn cầu phải đóng cửa. Thậm chí người ta lo ngại rằng sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn. Nhưng thực tế là, thập niên 1930 – sau khi đại dịch được khống chế - trở thành giai đoạn ghi nhận lượng người đến rạp đông hơn bất cứ thời kì nào trước đó. Trong cuộc Đại suy thoái, điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, trở thành công cụ giải trí giá cả phải chăng. Cho đến tận bây giờ, phim “Cuốn theo chiều gió” ra mắt năm 1939 vẫn là bộ phim chiếu rạp thành công nhất mọi thời đại”.

Với những chỉ dấu cả từ quá khứ và hiện tại, có thể tin rằng ngành chiếu phim đủ khả năng phục hồi ngay khi dịch Covid-19 qua đi.