Những tờ giấy sắc xưa nay đều gắn với tên tuổi dòng họ Lại ở đất Nghĩa Đô, Thăng Long xưa, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Họ Lại là họ duy nhất được chúa Trịnh Tráng giao cho đặc quyền làm giấy sắc để cung cấp cho triều đình. Vì thế, chỉ có dòng họ Lại ở đất Nghĩa Đô mới có bí quyết làm ra loại giấy sắc quý, có độ bền hàng trăm năm. Ông Lại Phú Quyết, hậu duệ dòng họ Lại ở Nghĩa Đô tự hào: Theo gia phả dòng họ Lại chúng tôi, người sáng tạo ra nghiệp giấy sắc là cụ Lại Giản Trực, cháu nội cụ Lai Thế Giáp. Kể từ đó các con cháu đều được phong chức Giám Kim Tiên Ngự dụng, tức là chức giám sát trông nom nghề này của triều đình. Nghề làm giấy sắc tồn tại từ thời Lê Trịnh cho đến thời Nguyễn thuộc Pháp…

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Kiêm Ninh, giấy sắc không chỉ là sản phẩm độc đáo, quý giá của dòng họ Lại ở Nghĩa Đô mà còn được mô tả là “loại giấy mang uy quyền của nhà Vua”: Trong giấy sắc thì người ta phân biệt là phong Thần hay phong cho bách quan bằng các nét vẽ trên giấy sắc. Vẽ cho Thần thì là Long ẩn, vẽ cho Quan thì Long hiện, cho nên mặt sau của tờ giấy sắc là vẽ Tứ linh. Khi vẽ thì người ta có hai cách vẽ, một người vẽ chạy, một người là vẽ đồ. Chẳng hạn con Rồng nằm ở đâu, đám mây nằm ở đâu rồi con Long, Ly, Quy, Phượng nằm ở đâu…

Thời gian trôi qua, các triều đại Vua, Chúa không còn, nghề làm giấy sắc vì thế cũng mai một dần... Nhưng dòng họ Lại vẫn có người nối nghiệp tổ tiên để lại, đó là ông Lại Phú Thạch. Ông Thạch tâm sự: Sở dĩ ông muốn giữ lại nghề, trước hết là vì muốn khẳng định nghề gia truyền. Thứ 2, bản thân ông cũng là người yêu văn hóa cổ, say mê với họa tiết, chữ Nho... nên quyết tâm làm tranh chữ để gửi tặng những người thân yêu, bạn bè trân quý...

Ông Lại Phú Thạch tiếp xúc với nghề làm giấy sắc từ khi 6 tuổi, bắt đầu từ những nét vẽ đơn sơ do cha mình là nghệ nhân Lại Phú Bàn truyền dạy. Vì thế nên ông khá thông thuộc công thức, quy trình làm giấy: Cụ dạy mình các họa tiết đó từ hồi mình học cấp 1. Sau này, tôi phục chế, tôi làm thì cũng lục lại kí ức rất nhiều những cái được cụ dạy từ lúc bé.

Cũng theo ông Thạch, giấy sắc thực chất vẫn là tờ giấy dó, nhưng được chế tác cầu kỳ và tinh xảo hơn: Khi tờ giấy dó đã thành phẩm rồi thì từ đó là công đoạn làm giấy sắc phong. Thứ nhất là mình phải có nguyên liệu chống mốc, chống mối để mối không ăn được. Thứ 2 là để tăng độ dai của giấy vì lúc đó tờ giấy rất sần sùi, nó cứng như là mo nang í. Đợi đến khi giấy khô kiệt rồi thì mình mới đưa lên 1 phiến đá phẳng dùng chày gỗ bắt đầu nện. (Ngày xưa các cụ gọi từ nện là nghè).

Nghè giấy là một hình thức dùng lực nện đều lên tờ giấy cho mặt giấy đanh lại. Khi nghè giấy, ông Thạch đặt tờ giấy dó trên một phiến đá phẳng, rồi dùng chày gỗ giã đều trực tiếp lên giấy, vừa giã, vừa kéo tờ giấy cho lực phân đều nhiều lượt. Khi nào nghe tiếng chày giã đanh, tờ giấy mỏng và bề mặt giấy bóng lên là được.

Khâu cuối cùng để hoàn thành tờ giấy sắc là vẽ rồng, mây. Xưa mực vẽ được làm từ vàng thật, bạc thật được dát mỏng trộn với keo da trâu nên giá rất cao. Còn ngày nay, ông Thạch phải mày mò nghiên cứu hơn 2 năm mới cho ra loại mực vẽ có độ bền cao. Nhưng ông vẫn giữ nguyên từng khâu nghè giấy, nhuộm vàng, làm keo da trâu… theo công thức bí truyền bởi đây là những công đoạn quyết định độ bền trăm năm và không thấm nước của giấy sắc.

Hiện nay, ông Thạch là người duy nhất vẫn giữ nghề làm giấy sắc bởi ông muốn níu giữ lại nghề quý hiếm của gia đình, dòng họ cũng như mong muốn lưu truyền một sản phẩm tinh hoa, trí tuệ cho các thế hệ tương lai.