Nếu bạn từng một lần đến thăm các bản làng của một số dân tộc ít người ở phía Bắc, hẳn bạn sẽ bị thu hút bởi màu sắc sặc sỡ từ những chiếc vòng chỉ trên cổ tay của họ. Cùng với trang sức bằng bạc, vòng chỉ buộc cổ tay là món phụ kiện không thể thiếu trong trang phục hàng ngày của bà con nơi đây. Những chiếc vòng chỉ không đơn thuần là món trang sức, mà đằng sau đó là những câu chuyện rất thú vị, là cả một nét văn hóa độc đáo thể hiện đời sống tinh thần lạc quan, phong phú của bà con.

Muốn hiểu về tục buộc chỉ cổ tay cần phải hiểu về thế giới tâm linh của người Thái. Trong thế giới tâm linh của người Thái, ngoài các vị thần và ma quỷ, có một quan niệm vô cùng đặc biệt về con người, đó là hồn vía. Con người được sinh ra với phần hồn và phần xác, trong đó phần hồn là quan trọng hơn cả. Mỗi người có tất cả 80 vía, 30 vía đằng trước, 50 vía đằng sau, và mỗi vía chính là một bản thể đầy đủ của một người ở trong thế giới vô hình.

Theo anh Lương Văn Hùng (người Thái ở Thanh Hóa), vì vía của mỗi người đông như vậy, nên mỗi khi đi đến nơi xa lạ hay đêm tối dễ bị lạc đường, hoặc đi vào nơi rừng thiêng nước độc, nơi có nhiều ma quỷ trú ngụ thì có thể bị bắt mất: "Vì được coi như bản thể hoàn chỉnh của một người nên khi đi lạc cũng có thể được nuôi dưỡng, được cưới vợ gả chồng, hoặc cũng có thể lang thang đói rét. Khi một người có một hoặc nhiều vía đi lạc mất khỏi cơ thể thì sức khỏe sẽ gặp vấn đề, có người còn bị ốm đau lâu ngày không khỏi”.

Một vía có thể vì mải chơi mà quên mất đi cùng nhau, vì hoảng sợ mà chạy lạc, vì tức giận mà bỏ đi. Vậy nên, có những vía của một phụ nữ đi lạc đã lâu, đã có chồng có con với ma quỷ, làm cho thân xác héo mòn dần đến khi chết đi. Hay một đứa trẻ bị quát mắng nặng lời mà hồn vía giận dỗi bỏ đi, làm cho thân thể bất an, đau ốm triền miên.

Những lúc như thế thì trong bản sẽ có một người có khả năng cúng – gọi là Thầy Mo hoặc Thầy Me - thực hiện việc tìm kiếm vía về. Nghi lễ gọi vía về sẽ đi kèm với tục lệ buộc chỉ cổ tay vì đồng bào quan niệm rằng, buộc chỉ cổ tay là “buộc” vía lại để con người khỏe mạnh, minh mẫn, gặp điều an lành.

“Buộc chỉ cổ tay này xuất phát từ thời xa xưa, chứng minh sự sở hữu của một người với một vật thể hoặc một người nào đó", anh Lương Văn Hùng cho biết. "Khi một người được buộc chỉ cổ tay đồng nghĩa với việc vía của người đó cũng được buộc chỉ đấy, vì vía cũng là một bản thể của một người”.

Những người đã được buộc chỉ cổ tay thì ma quỷ sẽ biết rằng người này đã có vợ có chồng, hoặc được một Thầy Mo bảo trợ, chớ có động vào. Với một người ở phương xa mới đến cư ngụ sẽ được một gia đình đứng ra buộc chỉ cổ tay với ý nghĩa rằng "xin đừng cảm thấy cô đơn, ở đây đã có chúng tôi, chúng ta coi nhau như gia đình".

Đồng bào Thái quan niệm rằng “vía lạ bản lạ mường nên dễ bị ma mãnh xứ người đùa giỡn làm hại”. Buộc chỉ tay là để “vía của khách phương xa luôn ở bên người, cầu giúp cho khách luôn khỏe mạnh bình an, may mắn suốt dặm trường thăm thú, vãn cảnh đất khách quê người”.

Không nhất thiết phải lễ nghi rườm rà, không phải rượu thịt cúng bái, chỉ cần sợi chỉ với ý nghĩa là “tôi không có những thứ quý giá cho bạn, đành mượn sợi chỉ thay cho tình cảm của tôi”. Và người ta sẽ không bao giờ tháo hay cắt bỏ sợi chỉ cổ tay, khi nào nó tự đứt thì thôi.

Chị Trương Thị Thu Thủy, người có hơn 10 năm làm công tác hỗ trợ sinh kế cho bà con, rất gắn bó với các bản làng của người Thái chia sẻ: “Mỗi lần tôi lên bản với bà con thì rất hay được dự lễ buộc chỉ cổ tay này. Nó rất thú vị với mình, thể hiện tình cảm của bà con đối với khách phương xa. Trước bữa cơm sẽ có một vị - gọi là thầy mo – có khả năng cúng ở trong cộng đồng, sẽ đọc các lời cúng và sau đó buộc 1 sợi chỉ may mắn cho khách. Chỉ buộc cho khách thường có các màu khác nhau với mong muốn cầu chúc sức khỏe cho khách đến thăm bản”.

Không chỉ người Thái, người dân tộc Giáy ở Tây Bắc cũng có tục buộc chỉ cổ tay này. Bạn trẻ Vũ Thị Ngọc Hướng (người Giáy ở Sapa) giới thiệu về phong tục độc đáo của dân tộc mình: “Người Giáy buộc dây thường vào các dịp Làng Then, là khi có người ốm hoặc có vấn đề gì đó xảy ra mà người ta muốn khắc phục bằng tâm linh. Khi đó người ta mời Bà Then hoặc Ông Then về, làm lễ. Sau khi kết thúc lễ đó thì họ sẽ buộc chỉ này, cũng nhằm mục đích buộc hồn buộc vía lại. Trong lễ đó thì bố mẹ, các anh chị em ruột thịt trong nhà sẽ buộc chỉ màu đen, còn khách thì buộc chỉ màu đỏ”.

Giống như người Thái, người Giáy cũng xem buộc chỉ như cách để đánh dấu sự sở hữu của mình đối với một đồ vật hay người yêu, vợ chồng mình: “Ngoài buộc chỉ cho người thì người Giáy còn buộc chỉ cho đồ vật trong nhà, những cái cây cối trong vườn, kể cả xe máy cũng buộc vào để cho may mắn, rồi còn buộc cả vào bàn ghế nữa. Họ buộc như thế trong cả ngày 30 Tết, năm nay buộc dây này, năm sau lại buộc một dây khác nữa”.

Không cầu kỳ, không tốn kém, tục buộc chỉ cổ tay đơn thuần là một nghi thức cầu an từ thuở khai thiên lập địa của đồng bào ở vùng núi phía Bắc, nơi có điều kiện sống tự nhiên khó khăn, hiểm trở. Tục lệ này nhằm giúp cho đồng bào vững tin ở đời sống tinh thần, cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn đến cho bản làng.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: