Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ban hành Đề án phát triển một số mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 tỉnh, thành phố nhằm thu hút du khách, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sẽ hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.

Đây được xem là bước đi quan trọng tạo ra những bước chuyển lớn cho ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên để phát triển du lịch đêm cần có thêm các cơ chế, chính sách và quy hoạch phù hợp để doanh nghiệp có căn cứ pháp lý khai thác và thu hút du khách.

Ông Vũ Văn Tuyên, Phó chủ tịch hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho rằng, du lịch đêm hiện nay ở nước ta còn rất nhiều điểm nghẽn. Mặc dù Chính phủ đã tạo điều kiện để phát triển kinh tế đêm, tuy nhiên, các cơ chế, chính sách của từng địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Bởi vì kinh tế đêm và chợ đêm sẽ phải phụ thuộc vào cơ chế của các vùng miền cũng như đồng bộ hóa công sức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và tính an dân tại điểm đó thì mới có sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, phải có những sản phẩm khác biệt so với chợ đêm ở chỗ khác. Việt Nam có trên 20 chợ đêm nhưng rất nhiều chợ đêm na ná giống nhau và không có nhiều sản phẩm đặc thù mang tính bản địa. Cho nên nó giảm sức thu hút với khách du lịch.

Việc tạo đà phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm tại Việt Nam được xem là hướng đi phù hợp xu hướng quốc tế, giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách, tạo nhiều việc làm, tăng doanh thu ngành du lịch và các ngành liên quan. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất là phải tạo ra được những sản phẩm du lịch đêm thu hút được du khách trải nghiệm. “Tôi cho rằng bất cứ nền kinh tế đêm nào hay chợ đêm nào cũng phải có sản phẩm đặc thù, tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch và là hình ảnh quảng bá điểm đến đó cũng như du lịch của đất nước. Điều này sẽ khiến khách du lịch nhìn thấy một Việt Nam năng động, cởi mở, an toàn” - Ông Vũ Văn Tuyên nhấn mạnh.

Ngoài ra, du lịch đêm giúp tăng tiêu dùng, mua sắm, góp phần tăng doanh thu và thuế cho Nhà nước, thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành du lịch. Đồng thời, du lịch đêm có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và du khách. Các hoạt động, nhà hàng, khách sạn và điểm tham quan mở cửa vào ban đêm tạo ra nhiều công việc mới và đa dạng, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Tuyên, để phát triển sản phẩm du lịch đêm tạo động lực để phát triển kinh tế đêm, thì cần những chiến lược bài bản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cơ chế chính sách là một chuyện, xây dựng mô hình là một chuyện, nhưng cũng phải dựa vào các doanh nghiệp du lịch. Chính vì thế phải có tính hai chiều giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để phối hợp với nhau. Cơ quan quản lý thì hỗ trợ cho các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm thu hút khách đến chợ đêm và lưu trú nhiều hơn. Điều này sẽ kích cầu tốt hơn.

Vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã ban hành đề án, đưa ra một số mô hình phát triển du lịch đêm. Theo đó, mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 12 địa điểm du lịch hàng đầu của Việt Nam gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Việc ban hành đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm chính là một bước đi tạo cơ sở vững chắc cho các dự án du lịch đêm phát triển.

Hiện nay chúng ta chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, nên việc triển khai các dự án du lịch đêm vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Ông Vũ Văn Tuyên cho rằng khi phát triển nền du lịch đêm cần có 3 yếu tố hội tụ. Thứ nhất là địa điểm, thứ hai là vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, thứ ba là sản phẩm đặc thù của chợ đêm. Sản phẩm đặc thù không chỉ là những sản phẩm bày bán ở chợ đêm mà mô hình phát triển của chợ đêm nó phải nổi bật của địa phương, của điểm đến đó. Cần có sự quy hoạch để mỗi chợ đêm là một sản phẩm đặc thù của điểm đến đó. Bên cạnh đó cần có những chính sách linh hoạt cho các doanh nghiệp du lịch không chỉ ở điểm đến đó mà của cả nước.

Sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm du lịch đêm sẽ không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, đầy kỳ vọng cho du khách mà còn nâng tầm vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa của đất nước. Để du lịch đêm thực sự trở thành “con gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch thì cần phải có một chiến lược bài bản, phù hợp, đồng thời các sản phẩm phải được xây dựng dựa trên yếu tố văn hóa bản địa.