Đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, gây thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng, trong đó trực tiếp làm suy giảm ngành Du lịch ở mức độ trầm trọng nhất.

Theo ước tính, năm ngoái ngành Du lịch nước ta thiệt hại khoảng 20 tỷ đô la Mỹ, khoảng 1/3 doanh nghiệp lữ hành đã buộc phải giải thể, ngừng kinh doanh và xin trả lại giấy phép. Số lượng các khách sạn hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay với công suất phòng từ 10-20%...

Theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch, Chủ tịch - Tổng giám đốc Thiên Minh Group, ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành Du lịch năm qua là cực kỳ nghiêm trọng, nhưng vẫn có những điểm sáng.

Thứ nhất, du lịch Việt Nam cực kỳ may mắn vì đất nước ta rất thành công trong việc chống Covid-19, khi từ tháng 5/2020 mọi người đã có thể đi du lịch trong nước, tuy có những thời điểm có một số hạn chế ở những vùng khác nhau.

Thứ 2 là sự thay đổi rất nhiều của ngành trong hơn 1 năm qua, đó là sự điều chỉnh hoạt động của toàn ngành để phục vụ những nhu cầu mới, những nhu cầu thay đổi do đại dịch gây ra và xây dựng một chiến lược du lịch mới mang tính thực tế hơn, bền vững hơn.

Ba là dù Covid-19 gây ra thách thức nhưng có sự thúc đẩy cực kỳ lớn cho Du lịch Việt Nam trong việc chuyển đổi số. Đặc biệt, dịch Covid-19 giúp các doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của thị trường nội địa, điều mà trước đây hầu hết doanh nghiệp du lịch Việt, trong đó có Thiên Minh Group chưa thực sự quan tâm.

Ông Trần Trọng Kiên nêu thực tế tại đơn vị: Thiên Minh Group trước Covid-19, 85% doanh thu là từ du khách quốc tế và chỉ có 15% từ du khách nội địa. Nhưng từ tháng 4/2020 đến nay, gần như 100% doanh thu đến từ khách nội địa. Điều đó có nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể khai thác được thị trường nội địa một cách hiệu quả và kinh doanh có lãi. Những sản phẩm trước đây của Tập đoàn phục vụ 100% khách nước ngoài thì bây giờ quay lại phục vụ phần lớn là người Việt.

Điều này cũng được ông Phạm Bá Cẩn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Intertour Việt Nam khẳng định. Sở trường của Intertour là du lịch nước ngoài (cả Inbound và Outbound) nên có thể nói từ trước tới nay, doanh nghiệp đã không đánh giá đúng tiềm năng du lịch trong nước. Còn bây giờ, theo ông Cẩn, Intertour từ chỗ “đi bằng một chân” nay đã tự tin, vững vàng “bước hai chân” nhờ hơn 1 năm qua tập trung phát triển du lịch nội địa.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì cho rằng, mặc dù có rất nhiều tiềm năng với thị trường hơn 90 triệu dân, tuy nhiên, từ trước đến nay du lịch nội địa phát triển theo kiểu tự phát và không được điều tiết. Lý do là bởi nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến thị trường khách nước ngoài, bây giờ mới quay lại với thị trường trong nước. Do đó, từ xây dựng sản phẩm cho đến nghiên cứu thói quen, nhu cầu, sở thích của du khách trong nước... đều hầu như chưa được quan tâm.

Ông Trần Trọng Kiên cũng thừa nhận, dù có sự chuyển hướng tích cực để thích nghi với tình hình mới nhưng không có nghĩa doanh nghiệp nào cũng thành công. Bởi theo ông Kiên: "Chúng ta không biết cách tiếp thị, cách tạo ra nhu cầu, giá cả và tạo ra định vị tốt để thu hút khách hàng, vì thế rất cần có những giải pháp cũng như sáng kiến phù hợp với bối cảnh hiện tại để khai thác hiệu quả hơn nữa thị trường nội địa. Nếu chúng ta biết cách chọn lựa thị trường đúng thì hoàn toàn có thể tồn tại, phát triển được".

Phát triển du lịch nội địa được xác định là hướng đi chủ đạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay nên điều quan trọng nhất là phải tạo ra được những sản phẩm ưu tú, phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhưng về lâu dài, một trong những cơ chế giúp doanh nghiệp hồi phục đó là tạo ra những khoản bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay hoặc có thể đầu tư một số lĩnh vực như: chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới... Chính vì vậy cần có sự trao đổi thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp để tạo ra những chính sách, giải pháp phù hợp... Đặc biệt là tạo ra được niềm tin tốt hơn của người dân cho du lịch nước nhà.

Để du lịch nội địa nói chung, du lịch Việt Nam nói riêng phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19 có rất nhiều công việc phải tiến hành đồng bộ, nhiều việc phải tiến hành ngay bởi sự chủ động, tích cực của một ngành kinh tế năng động sẽ quyết định sự hồi phục nhanh hay chậm. Vì vậy, ngành du lịch cần tận dụng tất cả những cơ hội dù nhỏ nhất, theo hướng tích cực nhất để thích ứng và phát triển.