Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến tại 25 điểm cầu với hơn 700 đại biểu. Điểm cầu chính tại TP Hải Phòng, các điểm cầu thuộc các quân khu, Học viện Lục quân, Trường Sĩ quan Lục quân 2 và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố.
Tham dự tại điểm cầu chính có Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN; Thượng tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Uỷ viên BCHTW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Trần Lưu Quang, Uỷ viên BCHTW Đảng, Bí thư TP. Hải Phòng cùng đông đảo các cựu chiến binh đoàn tàu không số, các nhà khoa học cùng đại biểu đại diện các ban ngành TƯ và địa phương.
Cách đây hơn 60 năm trong bối cảnh đất nước ta tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội còn tại miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Giơnevơ, ra sức đàn áp, khủng bố, thực hiện “tố cộng - diệt cộng”, đặt cách mạng miền Nam trước muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Trước tình hình đó, ngày 13/01/1959 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) quyết định chuyển hướng cách mạng miền Nam, từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Thực hiện Nghị quyết 15, cách mạng miền Nam tập trung đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang; chuyển thế từ bị truy lùng ráo riết sang chủ động tiến công địch cả về chính trị, quân sự.
Để kịp thời chi viện cho các chiến trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; sau khi nghiên cứu, thử nghiệm, rút kinh nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), mở tuyến đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đây là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, táo bạo, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển tạo nên nét đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Không những thế con đường này còn thể hiện tình đoàn kết quốc tế chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào – Campuchia, nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, trực tiếp đảm bảo cho chiến trường miền Nam đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Với 90 tham luận, hội thảo tập trung làm rõ đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời về xây dựng tuyến vận tải quân sự - Đường Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; tổ chức thực hiện hiệu quả của Quân chủng Hải quân, Quân khu 3, cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nói chung và Hải Phòng nói riêng.
Bên cạnh đó, các đại biểu phân tích rõ hơn về những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tổ chức mở đường, xây dựng lực lượng, tuyển chọn nhân lực, đóng mới phương tiện, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, công tác chỉ huy, bảo đảm, bảo vệ tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển; việc tổ chức các bến bãi, tiếp nhận và vận chuyển con người, vũ khí, lương thực thực phẩm kịp thời, nhanh chóng chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, qua đó khẳng định ý chí sắt đá, quyết tâm thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Với vị trí có ý nghĩa chiến lược, là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, với bờ biển dài trên 125km, vùng biển rộng khoảng 4.000 kilomet vuông và hơn 300 đảo lớn nhỏ, những năm qua, TP. Hải Phòng luôn phát huy tinh thần của thành phố cảng “Trung dũng - Quyết thắng”. Đồng chí Trần Lưu Quang, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ TP. Hải Phòng khẳng định: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, thành phố đang tích cực thực hiện tốt công tác tuyên truyền biển đảo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, trong khai thác các tiềm năng của biển, đảo".
60 năm đã trôi qua, nhưng bài học kinh nghiệm về mở Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo hiện nay.
Trong suốt 14 năm (1961 - 1975), Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức được 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến Mỹ - ngụy; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.