Các gia đình Việt Nam rất chú trọng xây dựng nếp nhà cho con trẻ ngay từ khi mới chập chững và như một dòng chảy liên tục tạo thành nền nếp: em nhỏ theo gương anh chị lớn, con cháu theo gương ông bà, cha mẹ. Đạo đức, lối sống trong gia đình được hình thành từ lòng nhân ái, tình yêu thương, thuần phong mỹ tục thẩm thấu một cách tự nhiên, bền bỉ trong tâm hồn mỗi thành viên.
Nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội, gia đình cụ Phạm Trọng Huy, 92 tuổi hiện có 4 thế hệ cùng chung sống. Để xây dựng gia đình gồm 26 thành viên trở thành “Gia đình văn hóa, hạnh phúc”, cụ Huy luôn giáo dục con cháu đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, biết kính trên, nhường dưới, luôn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, giữ gìn nếp sống văn minh, lành mạnh.
Chia sẻ về bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc, anh Ngô Văn Mạnh, cháu rể cụ Huy cho rằng, môi trường, nền nếp gia đình vô cùng quan trọng. Mỗi ngày có 24 tiếng thì 2/3 thời gian là học tập, công tác ngoài xã hội, còn lại 1/3 thời gian là sinh sống tại gia đình. Vì thế, ông bà, bố mẹ phải luôn dành thời gian quan tâm, giáo dục định hướng tư tưởng, lối sống đạo đức và hình thành nhân cách cho con cháu từ khi còn nhỏ.
"Giới trẻ được tự do hơn, được tiếp cận các điều kiện sống tốt hơn, nhưng cũng ít được giám sát hơn. Như vậy, hình mẫu của cha mẹ, ứng xử của anh chị em và những người thân quen trong họ tộc dần dần trở thành khuôn mẫu, và định hình nên khuôn mẫu của đứa trẻ đó. Và khi đứa trẻ đó cảm thấy khuôn mẫu này đúng và khi không ai kiểm soát, chỉnh sửa thì sẽ đem khuôn mẫu này ra xã hội...".
Rõ ràng, chính văn hóa gia đình, nếp nhà đã hình thành nên nhân cách, tính cách cũng như qui tắc ứng xử của mỗi người. Trách nhiệm hay hời hợt, thấu cảm hay dửng dưng đều do chịu sự tác động không nhỏ từ cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Cha mẹ cần phải làm “chiếc gương sáng” để con cháu noi theo và mỗi thành viên nên dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Tuy nhiên, ngày nay, do quá bận rộn với công việc mưu sinh, do tác động của sự phát triển xã hội nên nhiều người đã vô tình quên mất hoặc buông lơi trách nhiệm giáo dục nền nếp gia đình cho thế hệ trẻ. Những điều tưởng như nhỏ nhặt: đi hỏi về chào, ăn cơm mời ông bà, cha mẹ hay cách cư xử giữa các thành viên… nay đã trở nên qua loa, đại khái. Vì thế, gìn giữ nền nếp gia phong là trách nhiệm của các thành viên và gia đình nào làm tốt điều này thì sẽ nhận “trái ngọt”.
Gìn giữ những nét đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống kết hợp hài hoà những giá trị văn hoá gia đình thời hiện đại sẽ góp phần tạo nên nền tảng xã hội tốt đẹp, hình thành nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt trong dòng chảy hội nhập.
Mời nghe âm thanh tại đây: