Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sâu rộng làm cho cấu trúc gia đình có sự vận động, thay đổi. Các giá trị cốt lõi về gia đình có nguy cơ mai một dần. Áp lực của công việc trong xã hội hiện đại khiến các thành viên ít có thời gian dành cho gia đình hơn, thậm chí có sự sao nhãng trong trách nhiệm với gia đình… dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng nhiều. Đặc biệt là hôn nhân đồng giới gần đây đã dần được chấp nhận.

Thực tế là thực tế là hiện nay ngày càng có nhiều cặp đôi đồng tính công khai việc chung sống. Tương tự như vậy, những phụ nữ sống đơn thân, một mình sinh con và nuôi con đang có xu hướng tăng. Họ chấp nhận sự bàn luận, soi mói, thậm chí đàm tiếu của dư luận để được sống theo cách mà họ mong muốn. Như câu chuyện của chị Nông Diệp Hương ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo chị Hương thì việc làm mẹ đơn thân bây giờ đã không còn có sự dị nghị mà đó là chuyện bình thường.

Việc xuất hiện ngày càng nhiều loại hình gia đình phi truyền thống như: gia đình đơn thân, đồng tính hay không có con cái... cho thấy quan niệm của người Việt về gia đình đã có nhiều thay đổi. Một bộ phận không nhỏ trong xã hội cũng dần chấp nhận sự tồn tại của loại hình gia đình mới này. TS Phạm Quỳnh Phương – Viện nghiên cứu Văn hóa cho rằng, mặc dù xã hội ngày càng cởi mở hơn với những gia đình “phi truyền thống” song số đông vẫn đứng ở góc nhìn giá trị truyền thống về sự toàn vẹn gia đình để nhìn nhận nên đã có định kiến về các loại hình gia đình khuyết thiếu này.

Ngày nay, mọi người đều có nhu cầu sống cho mình nhiều hơn, muốn được tự do yêu thương và được chia sẻ nên khi không được đáp ứng, họ cũng sẵn sàng phá bỏ vỏ bọc của gia đình truyền thống trước kia là có đầy đủ bố mẹ và con cái. Theo TS Phạm Quỳnh Phương thì trong xã hội hiện nay chức năng tình yêu trở nên vô cùng quan trọng. Yêu nhau trước khi kết hôn, nhưng khi kết hôn rồi thấy tình yêu không còn mặn nồng gắn kết, nhiều người sẵn sàng ly hôn.

Cần phải nhìn nhận thực tế rằng: một gia đình truyền thống có đầy đủ cả cha và mẹ, trong đó mọi người yêu thương, chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau. Đó là mong muốn của tất cả mọi người. Nhưng do những lý do về cá nhân, không có cơ hội được lựa chọn một gia đình như thế thì một gia đình “khuyết về vỏ” nhưng đầy ắp tình yêu thương vẫn là lựa chọn tối ưu. Nói về sự thay đổi chức năng của gia đình, ông Hoa Hữu Vân – nguyên phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, nếu như trước kia, chức năng đầu tiên của gia đình là sinh con để có người lao động, dựa dẫm khi về già là quan trọng thì nay lại là chức năng đáp ứng tâm lý tình cảm.

Nhu cầu được sống vui vẻ, hạnh phúc là mong ước của tất cả mọi người. Để đạt được điều đó thì những đức tính như là hiếu lễ, tình yêu thương và sự sẻ chia vẫn luôn là giá trị cốt lõi và bất biến mà gia đình Việt Nam dù ở loại hình gia đình nào và thời đại nào cũng nên hướng tới.

Mời nghe âm thanh tại đây: