“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ” – Đó là quan điểm cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức ngày 24/11/1946, chỉ sau khi đất nước Việt Nam giành được độc lập hơn 1 năm.
“Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi” – Đây vẫn luôn là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và cũng là mệnh lệnh của Đảng ta qua các thời kỳ. Điều này thêm một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: Văn hóa soi đường - Và hơn thế, văn hoá còn có nhiệm vụ chấn hưng đất nước. Cũng tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại: “Hạn chế, yếu kém nổi bật nhất được nhắc lại nhiều lần là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, chưa tương xứng với kinh tế và chính trị”.
Do đó, để phát triển và hội nhập quốc tế, Văn hóa - Kinh tế - Chính trị cần phải được đặt ngang hàng nhau tạo thế kiềng 3 chân vững chắc cho sự phát triển đi lên của đất nước. Điều này một lần nữa được khẳng định tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, như một chiếc đòn bẩy khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Để thực hiện khát vọng ấy cần nhận diện rõ những “giá trị định danh”, những “thương hiệu văn hóa” của dân tộc Việt Nam như thế nào? Chúng ta cần tiếp tục làm gì và làm thế nào để xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay?
Góp phần trả lời cho những câu hỏi đặt ra, nhóm phóng viên Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2) – Đài Tiếng nói Việt Nam đã thực hiện chương trình tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Giá trị Việt Nam - Định danh dân tộc”. Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời: TS Đoàn Văn Báu – Vụ Trưởng Vụ Lý luận chính trị - Ban Tuyên giáo Trung ương, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội (Khóa XV).
Từ quá trình nghiên cứu, đúc rút thực tiễn và chức trách, nhiệm vụ của mình, các chuyên gia tham dự chương trình đã giúp chúng ta nhận diện những giá trị, chuẩn mực, tiêu chí của đất nước, con người Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay. Đồng thời bàn thảo và đưa ra những đề xuất giải pháp nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện đại, nhằm định danh sâu sắc hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
Xin mời nghe nội dung cuộc tọa đàm tại đây: