Sáng 29/11/2024, nhân dịp kỷ niệm 139 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật (29/11/1885), tại Nhà Thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm và Lễ trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 24 năm 2024 cho những luận án tiến sĩ khoa học lịch sử đã được bảo vệ đạt kết quả xuất sắc trong năm qua.
Tham dự chương trình có PGS, TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLSVN); GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội KHLSVN, Chủ tịch Hội đồng xét Giải thưởng Phạm Thận Duật, các thành viên của Hội đồng xét Giải thưởng cùng đại diện quê hương danh nhân Phạm Thận Duật và các tân Tiến sĩ đạt giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật lần thứ 24.
Để tri ân và lan tỏa tình yêu về sử học nước nhà, từ năm 2000, với sự tài trợ của Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, Giải thưởng Sử học mang tên danh nhân Phạm Thận Duật đã trở thành giải thưởng đầu tiên của Việt Nam được trao trong lĩnh vực sử học, cũng là giải thưởng chính thức và duy nhất của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, có phạm vi trên toàn quốc.
Đại diện Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, bà Trịnh Thị Liên, Phó chủ tịch Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật cho biết: Đến nay, với sự tài trợ của Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, Giải thưởng Sử học mang tên danh nhân đã trở thành giải thưởng đầu tiên của Việt Nam được trao trong lĩnh vực sử học, cũng là giải thưởng chính thức và duy nhất của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, có phạm vi trên toàn quốc. Trong 23 mùa giải qua, 125 tiến sĩ sử học xuất sắc trong cả nước đã được nhận Giải thưởng Sử học này.
Năm nay, tại lần trao giải thứ 24, từ nhiều luận án tiến sĩ của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, BTC giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã chọn 6 luận án để trao giải. Trong đó, luận án "Bưu chính ở Bắc Kỳ từ năm 1897 đến năm 1929" của TS Trương Thị Hải, Viện Sử học Việt Nam đã vinh dự nhận giải Nhất. “Vinh dự được nhận giải thưởng là niềm động viên khích lệ và là nguồn động lực to lớn giúp cho chúng tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để vươn lên giành những đỉnh cao mới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học lịch sử. Đây là một dấu mốc trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy lịch sử của chúng tôi, một lĩnh vực khoa học hết sức gian nan nhưng vô cùng quý giá”- TS Trương Thị Hải bày tỏ.
Cùng với đó, Ban tổ chức trao tặng 2 giải nhì cho luận án "Truyền đơn cách mạng ở Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945" của Tiến sĩ Trương Thị Phương, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và luận án “Binh chế triều Minh Mệnh” của Tiến sĩ Hoàng Lương, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. “Đây là một sự ghi nhận vô cùng quý báu động viên khuyến khích những nhà nghiên cứu khoa học trẻ như chúng tôi tiếp tục vững tin tiến bước trên con đường nghiên cứu khoa học lịch sử có nhiều vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn thử thách. Những sự khích lệ này khiến tôi càng quyết tâm gắn bó với niềm đam mê nghiên cứu lịch sử để cố gắng phấn đấu đạt được những thành tựu mới và có giá trị hơn nữa”- Thiếu tá Hoàng Lương chia sẻ.
Cũng trong dịp này, BTC trao 3 giải 3 cho các đề tài luận án: "Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ từ năm 2001 đến năm 2015" của Tiến sĩ Phạm Thanh Tùng (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng); “Quá trình phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2020” của Tiến sĩ Bùi Thị Bích Thuận (Trường Đại học Công đoàn) và "Di tích đền miếu liên quan đến vương triều Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh)" của Tiến sĩ Kiều Đinh Sơn (Trường Đại học Hạ Long).
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Giải thưởng Phạm Thận Duật không chỉ là giải thưởng đầu tiên và giải chính thức của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mà còn là giải uy tín và danh giá do tính chất nghiêm cẩn của việc xét giải. Một số luận án sau khi nhận giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã xuất bản và được các nhà khoa học đánh giá cao về chất lượng khoa học và giá trị phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển sử học đất nước trên nhiều lĩnh vực”.
Tính đến mùa giải năm 2024, Quỹ đã trao giải cho 131 Tiến sĩ Sử học có đề tài nghiên cứu xuất sắc. Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật không chỉ khích lệ các tài năng sử học trên con đường nghiên cứu khoa học mà còn góp phần thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu của rất nhiều nghiên cứu sinh và các nhà sử học, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời tạo ra một khoa học lành mạnh và bổ ích trong giới sử.