Người Việt Nam: Khao khát hòa bình nằm trong tim, trong máu

Nhắc tới Việt Nam là nhắc tới một dân tộc hòa hiếu, khoan dung, yêu chuộng hòa bình, sống nghĩa tình, nhân văn, “lấy chí nhân thay cường bạo”. Chính điều đó đã làm nên một “tinh thần Việt Nam”, để dẫu có trải qua thời gian, qua bao biến thiên thăng trầm thời cuộc, thì tinh thần ấy, phẩm chất truyền thống quý báu ấy vẫn luôn tỏa sáng - để có được một Việt Nam rạng rỡ hôm nay.

Nhân dịp đầu năm mới, VOV2 đã phỏng vấn GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia. Những chia sẻ từ GS Vũ Minh Giang hy vọng sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều điều thú vị xung quanh câu chuyện này…

VOV2: Thưa GS.TSKH Vũ Minh Giang! Hòa hiếu, khoan dung có thể coi là một giá trị nổi bật trong con người Việt Nam. Điều này đã được thể hiện ra sao qua bang giao cũng như qua ứng xử với kẻ thù xâm lược, thưa ông?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Lịch sử Việt Nam có một đặc điểm mà người ta từng nghĩ Việt Nam là đất nước nhiều chiến tranh đến như thế thì có lẽ tư duy thích ứng với chiến tranh là đặc điểm nổi trội của con người Việt Nam. Thế nhưng những người nghiên cứu một cách sâu sắc về lịch sử và văn hóa Việt Nam thì nhận ra một điều: đây là một dân tộc khao khát hòa bình. Khát khao cuộc sống thanh bình nằm trong tim, trong máu của người Việt Nam. Kẻ thù buộc chúng ta phải cầm súng chứ không phải chúng ta muốn chiến tranh. Chính vì vậy cho nên hòa hiếu nó như là một đặc tính của con người Việt Nam. Phong trào khởi nghĩa Lam Sơn thì chúng ta đã thắng như chẻ tre "đánh cho trúc chẻ tro bay", nhưng mà đến khi nhận thấy ý chí xâm lược của quân Minh đã hết thì lại mở đường hiếu sinh, tạo điều kiện đi về đường biển thì cho thuyền, đi về đường bộ thì cho ngựa. Thế có nghĩa là muốn dập tắt muôn đời chiến tranh. Tư tưởng hòa hiếu mà Nguyễn Trãi thể hiện trong những áng văn thơ của mình cũng chính là tư tưởng của người Việt Nam được đúc kết. Và như thế trong suốt chiều dài lịch sử mới thấy người Việt Nam yêu chuộng hòa bình hơn ai hết.

VOV2: Và điều này còn được thể hiện rất rõ ở thời đại Hồ Chí Minh khi mà chính Bác Hồ của chúng ta với tư tưởng và việc thực hành của bản thân mình có thể coi là hiện thân cho quan điểm về hòa hiếu, khoan dung, thưa GS?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Có thể nói Hồ Chí Minh là hiện thân của văn hóa Việt Nam, truyền thống Việt Nam. Người ta nhìn thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là một con người chan chứa tình yêu đối với hòa bình, đại diện cho một tư tưởng yêu chuộng hòa bình. Tôi đã từng có dịp sang công tác ở một số nước châu Phi, châu Mỹ La tinh và tâm sự với những trí thức, những người có vị trí ở các quốc gia như là Venezuela, Mêhico… thì khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta thường nhấn mạnh đấy là một con người của hòa bình, yêu chuộng hòa bình và thể hiện rất rõ truyền thống nhân ái, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Chính điều đó đã khích lệ sự vị tha, tinh thần tự khoan dung ở mỗi người dân Việt Nam. Nó là chất keo dính để cố kết dân tộc Việt Nam thành một khối.

Truyền thống hòa hiếu - "Sức mạnh mềm" để Việt Nam vững tâm bước vào kỷ nguyên mới

VOV2: Cái gốc của tư tưởng hòa hiếu là từ truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước mà hạt nhân là truyền thống yêu người, yêu nước. Hòa hiếu luôn là một phương châm nhất quán trong hoạt động đối ngoại và đến nay thì tư tưởng này vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy, thưa GS?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Có một thực tế, chúng ta thấy, bên cạnh những thành tựu lớn thì chúng ta có một thành tựu có thể nói là vô song - đó là vị thế quốc gia của chúng ta lớn mạnh chưa từng có. Và bây giờ khi mà chúng ta đã chuẩn bị đủ tâm thế, đủ điều kiện, có một cơ đồ vững chắc để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cả dân tộc vươn mình, để mà thực hiện khát vọng - đó là đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, đưa dân tộc mình đi tới phồn vinh thì sự hòa hiếu, tấm lòng yêu chuộng hòa bình và đoàn kết với các dân tộc trên thế giới này sẽ phát huy tác dụng một cách hết sức mạnh mẽ. Truyền thống hòa hiếu đó cũng có thể coi như một sức mạnh mềm giúp chúng ta vươn lên.

VOV2: Thưa GS! Tôi nghĩ mỗi người dân đất Việt luôn tự hào với danh xưng “Tôi là người Việt Nam”. Niềm tự hào đó xuất phát từ những giá trị văn hóa truyền thống. Một đất nước anh hùng, bất khuất, không ngại gian khổ để đánh thắng mọi quân xâm lược. Một đất nước đậm đà bản sắc văn hóa luôn được vun đắp, xây dựng và bảo tồn trong các tầng lớp nhân dân?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Cái mà chúng ta càng ngày càng thấy rõ là chúng ta có được hai chữ “tự tin” và chúng ta cũng đang nói tới một sức mạnh vô song khi phát triển quốc gia trong bối cảnh quốc tế mới, đấy là phải biến tất cả những gì người Việt Nam mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Ở đây hai chữ tự hào là chưa nói hết được điều đó, chúng ta có thế mạnh thực sự. Tự hào đôi khi chỉ là một cảm nhận có tính chất tình cảm, còn phải tự tin vào sức mạnh mềm trong con người Việt Nam. Tôi lấy thí dụ như khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, vượt qua mọi khó khăn để kiên trì thực hiện mục tiêu cao cả của mình. Chính vì thế càng ngày càng có nhiều những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp khổng lồ của thế giới tìm đến Việt Nam. Đã có những lúc chính người Việt Nam mình lại biểu thị mặc cảm, nào là người Việt Nam so với nước này, nước kia, rồi sính ngoại, sùng ngoại... nhưng bây giờ thì rõ ràng cái đó dần dần được giải ảo. Người Việt Nam bây giờ là vững bước đi lên với hai chữ "tự tin" và làm theo đúng những gì mà chúng ta có, thì rõ ràng chúng ta có thể có những bước phát triển không ngờ.

Tự tin, biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh

VOV2: Truyền thống của dân tộc có thể nói là niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ quan trọng vẫn phải là bản lĩnh và ý thức dân tộc ở mỗi người. Vậy bản lĩnh và ý thức dân tộc cần có của người Việt Nam là gì, thưa GS? Để chúng ta có thể giữ gìn cũng như là phát huy được các giá trị truyền thống quý báu đó?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Tôi lại trở lại hai chữ "tự tin". Quan trọng nhất là phải khai thác thế mạnh vốn có của người Việt Nam. Phải tìm hiểu tại sao dân tộc này, sừng sững đứng cạnh một đế chế hùng cường tầm cỡ thế giới như thế mà không bị đồng hóa, không bị nuốt chửng và chúng ta vẫn độc lập. Đã có một thời kỳ chúng ta mất chủ quyền hơn 1.000 năm mà chúng ta vẫn bền bỉ đấu tranh, giữ gìn bản sắc để rồi cuối cùng chúng ta lại là ta. Và bây giờ để mà phát huy cái đó thì rất cần quay trở lại hai chữ "tự tin", biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh thì chúng ta mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu được.

VOV2: Thời gian qua trên mạng xã hội lan truyền câu nói “nếu có kiếp sau chúng ta vẫn là người Việt Nam nhé!”. Vâng chỉ là một câu nói thôi nhưng ở đó toát lên niềm tự hào, kiêu hãnh và tràn đầy yêu thương về đất nước, về dân tộc mình. Điều này càng thêm khẳng định ý nghĩa của việc xây dựng và hình thành các hệ giá trị, trong đó có hệ giá trị con người Việt Nam, đặc biệt là trong thời đại mới, thưa GS?

GS.TSKH Vũ Minh Giang: Đối với mỗi người thì cái quan trọng bậc nhất là hiểu chính bản thân mình, hiểu dân tộc mình và tin tưởng vào tương lai và tiền đồ của dân tộc mình, thì người ta sẽ làm hết sức để vì sự phát triển của dân tộc và cũng như của cá nhân mình. Đấy chính là cách mà chúng ta có thể phát huy đến mức cao nhất những gì chúng ta có. Phải tự tin vào hai chữ Việt Nam, con người Việt Nam đủ bản lĩnh, đủ sức đủ trí tuệ, đủ khả năng để chúng ta có thể vươn tầm với các dân tộc tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đã đến một cái thời khắc mà vận hội của dân tộc mình đang phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và rất tin rằng người Việt Nam có đủ trí, đủ tài và đủ những năng lực để có thể hội nhập thế giới trong một bối cảnh như hiện nay.

VOV2: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Vũ Minh Giang về cuộc trò chuyện!

Xin mời nghe nội dung cuộc trò chuyện tại đây: