Phóng viên: Xin chào đạo diễn Lương Đình Dũng! Là người từng có trải nghiệm ở nhiều liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim Barcelona, Liên hoan phim Iran, từng là giám đốc Liên hoan phim quốc tế Black Night ở Talinn (Estonia), anh nhận xét như thế nào về quy mô, uy tín và nội dung các chương trình của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm nay?
Lương Đình Dũng: Mình từng đi các liên hoan phim trên thế giới, mình thấy Liên hoan phim HANIFF này cũng là một liên hoan phim lớn đấy! Thứ nhất vì đây là liên hoan phim do Chính phủ bảo trợ, bản thân điều đó đã có uy tín lớn rồi, nói lên sự tôn trọng với các nhà làm phim. Thứ hai là nó được tổ chức bài bản với quy mô hàng đầu, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta vừa thoát khỏi đại dịch Covid. Những bộ phim tham dự cũng rất tốt! Tôi có nhiều người bạn ở Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ... cũng rất chờ đợi liên hoan này. Chứng tỏ liên hoan phim HANIFF có uy tín và sức hút với giới làm nghề trên toàn thế giới.
Bên cạnh công tác tổ chức thì uy tín của một liên hoan phim đến từ thành phần ban giám khảo và chất lượng các bộ phim tham gia. Đối với tôi – nói một cách vô cùng khách quan và không hề ngoại giao ý tứ gì – thì có thể khẳng định HANIFF là một liên hoan phim tốt. Số lượng và chất lượng các khách mời thế này theo tôi là được rồi. Một số liên hoan phim khác trên thế giới chưa chắc đã được như liên hoan này đâu.
Phóng viên: Thế nhưng hẳn cũng có điều gì đó anh muốn góp ý cho ban tổ chức?
Lương Đình Dũng: Liên hoan phim HANIFF này có một điểm yếu, đó là: tổ chức 2 năm 1 lần. Như thế thì sẽ thiếu vắng những bộ phim mới toanh vừa làm ra đã được chiếu luôn. Đây là điểm yếu, nếu khắc phục được, mỗi năm tổ chức một lần thì sẽ còn tốt hơn nữa.
Phóng viên: Trong chương trình Liên hoan phim HANIFF lần thứ VI có Triển lãm Quảng bá bối cảnh quay phim ở Hà Nội. Anh thấy việc thiết kế, tổ chức các hoạt động như thế đã đủ hấp dẫn để mời gọi, thu hút các nhà làm phim quốc tế đến nước ta quay phim chưa?
Lương Đình Dũng: Tôi nghĩ việc này chỉ một liên hoan phim thôi thì không thể làm được! Trong một liên hoan phim chúng ta chỉ có thể làm được việc giới thiệu các bộ phim từ các nền điện ảnh khác nhau và gia tăng sự quan tâm của công chúng đến điện ảnh, còn mời gọi các đoàn phim quốc tế vào quay thì lại phụ thuộc vào chính sách của nhà nước và từng địa phương, chẳng hạn như hỗ trợ 30% chi phí chỗ ở.
Tôi vừa quay phim ở Ninh Bình thì thấy chính quyền địa phương rất cởi mở, nhiệt tình. Có vướng mắc gì đó tôi có thể gọi điện trực tiếp cho các anh Giám đốc Công an, Phó Chủ tịch, thậm chí Chủ tịch tỉnh họ lập tức liên hệ khắp nơi để hỗ trợ và chỉ 30 phút sau vướng mắc được giải quyết. Ở nước ngoài chưa chắc đã được như thế đâu, để giải quyết một vấn đề đôi khi rất tốn kém. Ở Việt Nam tôi thấy có những sự hỗ trợ như thế rất là tuyệt vời cho các nhà làm phim. Nhưng nói chung cũng nên có một kế hoạch sản xuất rõ ràng gửi trước cho các tỉnh, chẳng hạn book lịch trước 3-4 tháng (có khi nửa năm) để họ chuẩn bị thì tôi thấy cũng không khó khăn gì. Không chỉ Ninh Bình, tôi thấy nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam cũng đang hỗ trợ rất tốt mỗi khi có các đoàn phim đến quay chẳng hạn như Sơn La, Hòa Bình... các phim tôi quay ở đó cũng không gặp vấn đề gì.
Phóng viên: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.