Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Lãnh đạo Sở quản lý du lịch một số địa phương; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; chuyên gia du lịch, kinh tế; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá cao sự chủ động trong đổi mới sáng tạo cũng như đề xuất tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch” của Traveloka. Quản lý và phát triển điểm đến du lịch nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Trong đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh hợp tác công - tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương cũng như phạm vi quốc gia.
"Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn cùng với cơ quan quản lý điểm đến cùng nhau hình thành nên những chương trình hành động cụ thể, đặc biệt là triển khai ứng dụng công nghệ thực hiện chương trình đầu tư công - tư, chương trình phát triển nguồn nhân lực, chương trình xúc tiến quảng bá… cũng như thiết lập mối quan hệ với các địa phương để nắn dòng sản phẩm theo kịp xu hướng thị trường, quản lý điểm đến du lịch bền vững của từng địa phương, tránh phát triển nóng, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến hệ lụy sau này", ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Trong bài tham luận về “Quản lý và phát triển điểm đến du lịch, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”, ông Wong Soon Hwa, thành viên Ban điều hành PATA, Chủ tịch danh dự Viện Quản lý du lịch Singapore cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế, nhiều yếu tố để phát triển du lịch nhưng tính kết nối luôn là ưu tiên cao nhất trong hợp tác công - tư. "Trong bất kỳ mối quan hệ nào, vai trò của Chính phủ vô cùng quan trọng, đặc biệt trong mối quan hệ công - tư. Chính phủ cần chủ trì để phê duyệt các chính sách nhanh hơn, cần có kế hoạch mục tiêu rõ ràng. Bên cạnh đó xây dựng hoạt động marketing, kế hoạch tổng thể dài hạn, đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút du khách cân đối cả về chất lượng và số lượng thì phát triển mới thực sự bền vững".
Ông Wong Soon Hwa cũng nêu ví dụ thực tế rằng Việt Nam có lợi thế để phát triển du lịch MICE (MEETING - INCENTIVES - CONFERENCES - EXHIBITIONS) nhưng cần lựa chọn thế mạnh phù hợp nhất với từng địa phương để tập trung phát triển sản phẩm đó mang tính chuyên biệt. Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái và đây cũng là xu hướng thị trường mà hiện nay du khách trên toàn cầu rất quan tâm.
"Theo tôi tìm hiểu thì ở Việt Nam, du lịch sinh thái mới thật sự phát triển từ những năm 90 của thế kỷ XX, với các hình thức như: Du lịch tham quan, trải nghiệm, nghiên cứu ở một số khu vườn quốc gia... Nhưng du lịch sinh thái không chỉ có như vậy mà còn rất nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Mặt khác, phát triển du lịch sinh thái không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch, đem lại lợi ích cho cộng đồng mà còn nâng cao các giá trị tự nhiên, sinh thái, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa, nâng cao nhận thức của du khách trong nước và nước ngoài về trách nhiệm cũng như ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên, từ đó làm cho du lịch phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam đã và đang có những tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên. Do vậy, Việt Nam cần có những giải pháp để phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, nhằm đưa ngành Du lịch phát triển theo hướng bền vững", ông Wong Soon Hwa chia sẻ thêm.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ nhiều ý kiến để phát huy hiệu quả mối quan hệ hợp tác công - tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch.
Bà Widya Listyowulan, Phó Chủ tịch phụ trách quan hệ Chính phủ và chính sách công Traveloka cho rằng, Việt Nam được thiên nhiên ưu ái với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, các di sản văn hoá trải khắp đất nước và giàu tính lịch sử. Những yếu tố độc đáo trên tạo cho Việt Nam những điểm nổi bật, thu hút du khách khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, việc quản lý và phát triển điểm đến một cách bền vững cần được chú trọng trong thời gian tới. Trong hành trình này cần có sự chung tay tham gia của Chính phủ và toàn ngành du lịch để cùng nhau tìm ra những giải pháp tốt nhất trong quản lý và phát điểm đến bền vững và đầu tư vào hợp tác công - tư hiệu quả nhất.
Theo bà Trần Nguyện, Phó Tổng Giám đốc SunWorld, truyền thông, marketing điểm đến cần được bám sát vào giá trị, đưa mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, bảo vệ hệ sinh thái điểm đến nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu của du khách lên hàng đầu.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, quản lý điểm đến là vấn đề "nóng" ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tại các trọng điểm du lịch của Việt Nam. "Thời quan qua, nhiều địa phương chỉ mải thu hút thật nhiều khách nhưng lại không chú ý đến việc quản lý điểm đến nên đến khi xảy ra vấn đề nổi cộm, điển hình là khủng hoảng lượng khách du lịch giảm mạnh tại Phú Quốc hiện nay, lúc đó mới nhìn lại thì giải quyết hậu quả mới thực sự khó khăn. Nếu giải quyết tốt được vấn đề của Phú Quốc thì đó cũng là bài học cho các điểm đến trọng điểm khác trên cả nước. Vì vậy hợp tác công - tư trong quản lý điểm đến du lịch cực kỳ quan trọng, giúp cho quản lý điểm đến, xây dựng hình ảnh thương hiệu điểm đến được tốt hơn nhưng để làm được điều này đòi hỏi các bên liên quan đều phải tham gia.
Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý và phát triển điểm đến tại Quảng Ninh, bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương rất chú trọng vào hợp tác công - tư, với chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nên đã đạt được kết quả nhất định trong thời gian vừa qua, đặc biệt là hệ thống giao thông. Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kể cả đường bộ, đường hàng không và đường biển. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước, từ Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.... Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng phát triển cơ sở hạ tầng như sân Golf và các địa điểm tổ chức MICE để đa dạng dịch vụ, nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ công bố ấn phẩm Quảng bá điểm đến của du lịch Bình Thuận và Quảng Ninh do Traveloka hỗ trợ. Đây là điển hình về quan hệ đối tác công tư trong quảng bá điểm đến du lịch được thực hiện trong thời gian gần đây của Traveloka để giúp các địa phương quảng bá điểm đến tới du khách trong và ngoài nước tại Việt Nam.