Báo cáo tổng kết hội thảo nêu rõ, giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Ninh Bình bị ảnh hưởng nặng nề, song do chủ động trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm… nên năm 2022 du lịch đã nhanh chóng hồi phục, đón được khoảng 3,7 triệu lượt du khách, trong đó có gần 60 nghìn khách du lịch quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Song Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam khi nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định với du khách trong và ngoài nước khi 3 năm liên tiếp (từ năm 2018 đến năm 2020) được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, dù thời gian liên kết giữa các tỉnh đồng bằng sông Hồng khá lâu nhưng trong quá trình phát triển, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Một số tài nguyên hấp dẫn mới được phát hiện chưa được tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả, hiện chỉ có rất ít tour liên tỉnh, liên thành phố được thực hiện, đặc biệt công tác quảng bá xúc tiến còn rời rạc, chưa chuyên nghiệp nên khách chủ yếu đi tham quan trong ngày, chưa lưu đêm nhiều, dù giá khách sạn, dịch vụ ăn uống rẻ và chi tiêu ngoài tour của khách cũng không cao…

“Hội nghị không chỉ là nơi để Ninh Bình và các địa phương giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, văn hóa lịch sử của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng mà còn là dịp đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần phục hồi và phát triển hoạt động du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”, ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.

Tại hội nghị, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù có những lợi thế so với các khu vực khác trong cả nước, nhưng liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa đem lại kết quả tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình. Cụ thể là các sản phẩm du lịch có sự trùng lặp, chưa có tính đặc thù; Hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch, đặc biệt là các sản phẩm vui chơi giải trí còn nghèo nàn, điểm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách… Do đó, bà Đặng Hương Giang đề xuất thời gian tới, mỗi địa phương vùng đồng bằng sông Hồng cần tập trung hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của từng tỉnh, thành phố theo hướng phát triển dài hạn, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ, sớm tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo mang đặc trưng riêng của địa phương. Với Ninh Bình, trước mắt sẽ triển khai tuyến đi bộ Chùa Hương –Tam Chúc trong thời gian sớm nhất có thể.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, các Hiệp hội du lịch và một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.