Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 có sự tham gia trực tiếp của 600 doanh nghiệp tới từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước và 15 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Phát biểu khai mạc hội chợ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi lựa chọn chủ đề chính thức của Hội chợ năm nay là: “Du lịch Văn hoá”. Du lịch là cầu nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới. Du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngược lại các di sản văn hóa được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.

"Đối với Việt Nam, tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, với nguồn cội “con Lạc cháu Hồng”, được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cho các điểm đến, hướng tới phát triển du lịch bền vững, trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội chợ năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu cột mốc 10 năm hình thành và phát triển (2013-2023). Trong một thập kỷ qua, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một sự kiện du lịch có tầm cỡ quốc gia, thu hút sự tham gia đông đảo các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế. VITM đã góp phần nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam và góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

"Mục tiêu ban đầu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi tổ chức Hội chợ VITM là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh. Thông quá đó nhằm phát triển du lịch quốc tế và nội địa, thúc đẩy loại hình du lịch outbound vào nền nếp, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, thúc đẩy việc trao đổi khách với các quốc gia có nhu cầu đón khách Việt Nam góp phần tăng khách quốc tế vào Việt Nam, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước", bà Cao Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Hội chợ VITM lần này sẽ diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, thông qua các hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C); hoạt động của các Cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và Quốc tế. Ngoài ra, các sự kiện chuyên ngành cũng được tổ chức với quy mô lớn như: Diễn đàn “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam"; Tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực Du lịch”, giới thiệu tuyến du lịch Bắc Giang - Mộc Châu; Hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm” hay hội nghị “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên”…

Ban tổ chức dự kiến, hội chợ sẽ thu hút khoảng 3.000 doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, khoảng 60.000 người dân, du khách, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh về một Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển đến với nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới.