Đây là chương trình nằm trong Dự án của PATA về Khả năng phục hồi điểm đến du lịch (Tourism Destination Resilience) dành cho 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Indonesia và Philippines. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng ngành Du lịch có khả năng phục hồi cao hơn, không chỉ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 mà chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Phát biểu khai mạc khóa học, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, dưới tác động của đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất, ảnh hưởng đến số lượng khách và doanh thu du lịch giảm mạnh; các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn phải đóng cửa; thiếu hụt nguồn nhân lực... Tất cả những ảnh hưởng tiêu cực này khiến cho việc phục hồi du lịch trở thành một vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Và mặc dù Việt Nam đã thực hiện thí điểm mở cửa du lịch quốc tế từ tháng 11/2021, nhưng những thách thức trong tương lai vẫn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả khu vực nhà nước và tư nhân.

Khóa học này của PATA là một sáng kiến tốt giúp các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội, tổ chức, cơ sở đào tạo về du lịch có những bài học hiệu quả về đánh giá, quản lý rủi ro và năng lực thích ứng hỗ trợ các điểm đến chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19, cũng như xây dựng khả năng chống chọi với các thách thức trong tương lai.

Khóa học ghi nhận và tổng hợp nền tảng tài liệu và tài nguyên được phát triển trong nhiều thập kỷ qua nhằm xây dựng bộ khung phục hồi điểm đến toàn diện, phù hợp với bối cảnh hậu dịch Covid-19.