Cuốn sách Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại là tập hợp các hình ảnh về chặng đường tái ngộ với cảm xúc và kỷ niệm của cựu tù, tử tù Côn Đảo năm xưa khi trở lại nơi các cô chú đã có những ngày đấu tranh anh dũng. Còn cuốn Biệt đội giữ bình yên "đất lửa" ghi nhận sự hy sinh và cống hiến thầm lặng của những người trẻ đối với đất nước trong thời bình.

Trong cuộc trò chuyện tại buổi triển lãm, bà Phan Thị Bé Tư, 1 cựu tù Côn Đảo, chọn chia sẻ lại nhìn một cách tích cực, không nói về sự hy sinh, gian khổ mà chỉ nói về những giá trị còn lại cho đến ngày hôm nay: “Tôi bị bắt từ lúc còn nhỏ, gần như tuổi xuân của tôi trong nhà giam, khi ấy tôi 16 tuổi được coi là tuổi đẹp nhất, thì tôi lại ở trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt, đòn roi… Từ đó tôi thấy mình trưởng thành trong thời gian đó, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, đất nước”. Đồng thời, bà cũng nhắn nhủ đến thế hệ trẻ ngày nay: "Các bạn được sinh ra trong điều kiện vật chất đầy đủ, được sống trong độc lập, hòa bình nhưng hãy luôn ghi nhớ phải đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, đoàn kết như các chiến sĩ cách mạng biến nhà tù thành một mặt trận chiến đấu với kẻ thù. Phải luôn giữ vững sự kiên trung, bất khuất; giữ vững và phát huy bản chất cách mạng của Đảng trong tình hình mới"

Cũng tại buổi khai mạc, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã ra mắt cuốn sách ảnh Biệt đội giữ bình yên "đất lửa", tác phẩm kể câu chuyện về đội rà phá bom mìn trên vùng đất thép Quảng Trị. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết, anh mất 9 tháng với nhiều lần đến Quảng Trị để ghi lại những hoạt động về đội rà phá bom mìn (các thành viên thuộc dự án NPA/RENEW - Chương trình khảo sát bom mìn của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy hợp tác với Dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị) để thực hiện cuốn sách ảnh Biệt đội giữ Bình yên “Đất lửa”.

Chị Phan Thị Thu Hương, đội phó đội rà phá hiện trường thuộc tổ chức NPA/RENEW Quảng Trị chia sẻ: “Mặc dù chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả của nó để lại rất lớn. Trong khu ở, tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn vì bom mìn gây ra, người thì bị cụt tay, người thì bị cụt chân và đặc biệt, tôi chứng kiến một vụ tai nạn thảm khốc là một em khi tìm phế liệu không may bị nổ bom mìn và không qua khỏi. Bản thân bố tôi, cũng không may va phải quả bom, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cho bố tôi suốt 40 năm qua”. Dẫu chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương vẫn còn lại. Những vết tích của chiến tranh là rất nhiều bom mìn vẫn vùi sâu dưới đất, có thể phát nổ bất kỳ khi nào… và những người lính thời bình vẫn đang miệt mài, không quản hiểm nguy, cố gắng tìm kiếm, rà phá và bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân.

Đến tham dự và tham quan buổi triển lãm, PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám độc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa được truyền tải trong những bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Nguyến Á thực hiện trong buổi triển lãm lần này: “Những bức ảnh là công cụ để chúng ta nghe về lịch sử, thể hiện và lan truyền được tình yêu đất nước, yêu quê hương, truyền tinh thần đấu tranh vì độc lập tự do cho thế hệ sau. Những bức ảnh đã tiếp nối giữa thế hệ trẻ và các thế hệ trước đó…”

Triển lãm thu hút nhiều bạn trẻ, đoàn viên thanh niên và, người khuyết tật đến tham quan, tìm hiểu về những câu chuyện hy sinh anh dũng thời chiến tranh thông qua những bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Á thực hiện. Dù chiến tranh đã qua đi nhưng những dấu ấn lịch sử vẫn còn lưu mãi trong con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ mai sau.

Triển lãm và sách ảnh: "Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại "và "Biệt đội giữ bình yên đất lửa" của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á trưng bày tại nhà Triển lãm 45 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, kéo dài đến hết ngày 13/8.