Ngày 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào tại làng văn hoá du lịch Tân Lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1 hạ lệnh xuất quân. Đoàn quân giải phóng rầm rập lên đường tiến sang giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội... Từ giây phút đó, cây đa Tân Trào trở thành biểu tượng của Cách mạng tháng Tám, là nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng Việt Nam. Từ lễ xuất quân này, đội quân giải phóng đã phát triển, trở thành những binh đoàn hùng mạnh, đi suốt dọc dài đất nước, đánh thắng kẻ thù xâm lược, làm nên những chiến công vang dội của quân đội nhân dân Việt Nam.

Chị Hoàng Thị Oanh, hướng dẫn viên của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang giới thiệu: Cố Đại tướng đã đọc bản quân lệnh số 1 trước mặt 200 chiến sĩ của quân giải phóng để đưa 200 chiến sĩ đó tiến sang giải phóng thị xã Thái Nguyên. Sau đó tiến sang và giải phóng thủ đô Hà Nội. Và đặc biệt, chỉ sau 3 ngày, đến ngày 19/8/1945, đoàn quân đó của chúng ta đã chính thức giành được chính quyền tại Thủ đô Hà Nội. Kể từ giây phút đó, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng của cách mạng Tháng Tám - cũng là nơi chứng kiến lễ xuất quân công khai đầu tiên của quân giải phóng, tạo nên rất nhiều chiến tích của quân đội nhân dân Việt Nam.

Trước đây làng văn hoá Tân Lập còn có tên gọi là Kim Long. Tân Lập có 181 hộ gia đình, trong đó dân tộc Tày chiếm trên 97%, làng còn giữ được 34 ngôi nhà sàn cổ. Người dân trong làng Tân Lập ai cũng rất tự hào vì được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có cây đa Tân Trào lịch sử… Hiện làng có hơn 20 hộ dân làm du lịch cộng đồng.

Bà Hoàng Thị Nghiệp, tiểu thương bán hàng ở thôn Tân Lập bày tỏ: Chúng tôi hy vọng du khách không chỉ biết đến Tân Lập là một mảnh đất lịch sử mà còn có những đặc sản nổi tiếng như cơm lam, gạo kén, chè, nấm hương, măng khô và nhiều vị thuốc của đồng bào dân tộc.

Hiện, Làng Văn hóa - Du lịch Tân Lập có thể phục vụ cùng lúc hàng trăm du khách có nhu cầu lưu trú tại những ngôi nhà sàn sạch sẽ, thoáng mát, ngăn nắp. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống, do chính bà con tìm kiếm trên rừng hoặc nuôi trồng sản xuất trên nương, rẫy như các món ăn từ măng rừng, rau rớn, rau ngót rừng, rau bồ khai, cơm lam, xôi ngũ sắc, cá nướng, rượu nếp Tân Trào, chè ...

Bà Bế Thị Chín, chủ homestay ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết: Du khách đến đây còn được trải nghiệm các hoạt động như nướng cơm lam, giao lưu đốt lửa trại và thưởng thức ấm thực của gia đình như cá, rau, thịt hun khói....

Đặc biệt, có hai ngôi nhà sàn mang giá trị lịch sử to lớn: Nhà cụ Nguyễn Tiến Sự, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc những ngày đầu khi Người trở về từ Pắc Bó (Cao Bằng) và nhà cụ Hoàng Trung Dân, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8/1945. Hai ngôi nhà này được bảo tồn, tôn tạo giữ nguyên giá trị gốc và tái hiện vị trí nơi nghỉ, làm việc của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phục vụ du khách đến tham quan.

Không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, làng Tân Lập còn lưu giữ được những giá trị văn hóa của dân tộc Tày trong những ngôi nhà sàn truyền thống và những làn điệu then, cọi mê đắm lòng người.

Làng văn hoá lịch sử Tân Lập nằm trong khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Tân Trào, vì vậy, đến với Tân Lập, du khách còn được tìm hiểu giá trị văn hóa của dân tộc Tày bên những ngôi nhà sàn truyền thống với những làn điệu then, cọi mê đắm lòng người…

Mời nghe âm thanh tại đây: