Với mong muốn đưa tri thức về làng quê, giúp các em được tiếp xúc với văn hóa lành mạnh thay vì vùi đầu vào những trò chơi điện tử, mạng xã hội… Hiểu rõ giá trị của sách đối với sự hình thành nhân cách của trẻ, Phùng Bá Hưng cùng 1 nhóm các bạn trẻ ở xã Dương Liễu đã tình nguyện thành lập Thư viện tư nhân miễn phí.

"Chúng tôi muốn có 1 sân chơi, một không gian dành cho trẻ em đến đọc sách miễn phí, có thể sinh hoạt và chơi những trò chơi bổ ích hơn, thay vào việc chỉ ngồi nhà và nhìn smartphone. Ban đầu thư viện thành lập chỉ có mục đích nâng cao văn hoá đọc, nhưng sau đó phát triển đời sống tinh thần thông qua các hoạt động, những sự kiện, trò chơi dành cho thiếu nhi… Ngoài ra chúng tôi chia các hoạt động thành nhiều mảng khác nhau, ví dụ như về giáo dục, môi trường, thiện nguyện, rồi những cuộc thi mang tính chất thể thao, hoặc những cuộc thi mang tính chất sáng tạo khoa học… Tất cả những cái này giúp các em đến thư viện không chỉ đọc sách mà còn phát triển một cách trọn vẹn, các em thấy vui hơn, yêu đời hơn và đến thư viện nhiều hơn" - Anh Phùng Bá Hưng, quản lý thư viện cho biết.

Cứ cuối tuần, ngôi nhà trong con ngõ nhỏ ở đội 5, xã Dương Liễu lại chật kín các bạn nhỏ với đủ lứa tuổi đến đây để đọc sách.

Thư viện hiện có khoảng 3.000 quyển sách với 11 đầu sách được sắp xếp gọn gàng và phân chia theo từng lĩnh vực. Mỗi loại sách lại có 1 ký hiệu riêng để các em dễ nhận biết. Say sưa với cuốn truyện tranh, em Nguyễn Tuấn Minh cho biết hầu như tuần nào em cũng đến thư viện 2 - 3 lần. Nhờ có thư viện mà em đã cai được điện tử: "Em đang đọc truyện tí quậy, em thích nhân vật Tèo, vì bạn rất chăm học và vâng lời bố mẹ".

Ngoài đọc tại thư viện, nếu các em có nhu cầu mượn sách sẽ được cấp thẻ. Thủ tục mượn sách rất đơn giản. Bạn nhỏ chỉ cần tìm kiếm những cuốn sách phù hợp, để lại địa chỉ, số điện thoại (nếu có) là có thể mang sách về đọc. Hiện nay đã có khoảng 1.500 bạn nhỏ trong và ngoài xã đăng ký mượn sách thường xuyên.

Để khơi dậy tình yêu đọc sách trong giới trẻ, để “kéo” được người trẻ đến với thế giới nhiều màu sắc của sách, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, trường học để thúc đẩy phòng trào khuyến học, phát triển văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Nhận thức được sách vẫn luôn giữ vai trò quan trọng không thể thay thế, anh Phùng Bá Hưng và các cộng sự đã có phương án để thu hút các em đến với không gian sách nhiều hơn, mỗi tháng 1 lần thư viện còn tổ chức các hoạt động tập thể như: làm thiệp tặng thầy cô, thi thuyết trình sách… Các hoạt động này đã giúp những bạn trẻ cảm thấy hào hứng, tích cực hơn trong mọi hoạt động.

Để có thể thu hút và phục vụ được những độc giả là giới trẻ, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ tình nguyện viên trong việc vận động, tuyên truyền các gia đình cho con em tới đọc sách... Mặc dù chỉ mở cửa vào các tối thứ 3, thứ 5, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, nhưng số em tìm đến thư viện khá đông. Đây là sự thay đổi lớn trong nhận thức của các em đối với việc đọc sách khiến anh Nguyễn Như Tỉnh, tình nguyện viên cảm thấy vui mừng: "Đây là một công việc mang lại niềm vui. Khi tổ chức các sự kiện, nhiều người tham gia mình nghĩ: À, hóa ra ngoài cái được cho riêng mình thì còn được cho cộng đồng. Đây là một công việc có ích".

Nhìn những đôi mắt trẻ thơ chăm chú dõi theo từng trang sách, những tiếng thầm thì trao đổi nhỏ to, rồi thi thoảng quay sang nhìn nhau khúc khích cười của mấy cô cậu học trò khi đọc một mẩu chuyện vui, mới có thể thấy được ý nghĩa, hiệu quả mà tủ sách Dương Liễu đã mang lại cho giới trẻ nơi đây.

Nghe bài viết tại đây: