Cụ thể, nhiều tác phẩm văn học đã được dịch ra nước ngoài; nhiều chương trình nghệ thuật đã được giới thiệu đến bạn bè quốc tế thông qua các ngày văn hóa, tuần văn hóa; một số tác phẩm điện ảnh đoạt giải thưởng quốc tế… Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Từ năm 1990 đến nay, nhiều loại hình nghệ thuật đương đại mới xuất hiện như: nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật đa phương tiện… góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của công chúng, nhất là giới trẻ. Các lễ hội văn hóa (âm nhạc, điện ảnh, ngày thơ…) cũng là điều kiện tốt, kích thích sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đặc biệt, nhờ vào thành tựu khoa học công nghệ, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật được lan tỏa rộng rãi trên môi trường mạng, mang đến những tâm thế mới cho người sáng tác và công chúng: đó là sự chủ động, tương tác hai chiều; qua đó, giúp người sáng tác nắm bắt thị hiếu và nhu cầu hưởng thụ của công chúng để có thể sáng tạo những tác phẩm mới, hấp dẫn.

Nhìn lại chặng đường 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (1975-2025), Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trải qua nhiều xu hướng và có sự dịch chuyển đáng kể về tư duy, cảm hứng sáng tác, hình thức thể hiện và mối quan hệ với công chúng. PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM cho biết: Trong những năm gần đây, sự kết hợp hai khuynh hướng nghệ thuật và giải trí được xem như một xu hướng đạt được hiệu quả nhất định trong nhiều phim truyện như: Mai, Tro tàn rực rỡ; Đào, phở và piano… Sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thương mại, giải trí là bước tiến đáng kể của phim truyện điện ảnh trên con đường tiếp cận kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện tiên tiến hiện đại của điện ảnh quốc tế.

"Theo khuynh hướng đó, khi xây dựng kịch bản phim và kể chuyện, nhiều nhà làm phim đã chú ý đến bối cảnh, nhịp điệu để phát triển câu chuyện. Và áp dụng cấu trúc chuẩn giúp biên kịch, đạo diễn có thể kể lại, phát triển câu chuyện một cách hợp lý. Hơn nữa, sự áp dụng những kỹ thuật, trải nghiệm tốt trong kể chuyện (Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt…) giúp không bỏ qua yếu tố bối cảnh và nhịp điệu, những yếu tố rất quan trọng khiến cho bộ phim gần gũi với khán giả và được họ đồng cảm", PGS.TS Vũ Ngọc Thanh nhận xét.

GS.TS Lê Thị Hoài Phương, Viện Văn hoá, nghệ thuật, thể thao và du lịch Việt Nam cho rằng, có một xu thế khá rõ của các nhà hát hiện nay là chọn những vở về đề tài chiến tranh, đề tài lịch sử, hoặc chọn dàn dựng và biểu diễn một số vở kịch kinh điển của thế giới như kịch của Shakespeare, Ibsen, Chekhor... không thể thiếu trong dòng chảy sáng tác của văn học nghệ thuật hiện đại. Điều này giúp sân khấu Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.

"Đặc biệt, khán giả hôm nay vẫn say mê xem kịch Lưu Quang Vũ. Các vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn xuất hiện khá thường xuyên trong kịch mục của các nhà hát. Cũng cần có thêm các công trình nghiên cứu, các cuộc điều tra xã hội học tiếp tục nghiên cứu về “hiện tượng kịch Lưu Quang Vũ” đối với khán giả hôm nay", GS. TS Lê Thị Hoài Phương nhấn mạnh.

Nhà văn Bùi Việt Thắng chỉ ra 3 khuynh hướng sáng tác nổi bật đã chi phối văn đàn đương đại, gồm: khuynh hướng nhận thức lại thực tại, mang đến góc nhìn mới mẻ về chiến tranh, lịch sử và con người trong dòng chảy xã hội. Với các tác phẩm tiêu biểu như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng); Khuynh hướng tiếp cận tâm linh, nảy sinh từ đời sống tín ngưỡng phong phú của người Việt, tạo cảm hứng cho nhiều nhà văn trong các tác phẩm như: Trăm năm thoáng chốc (Vũ Huy Anh), Không và Sắc (Bùi Anh Tần), Mưa đỏ (Chu Lai); Khuynh hướng hậu hiện đại là một khuynh hướng, một trào lưu mới mẻ, mở rộng không gian sáng tạo nhờ sự phát triển của công nghệ và toàn cầu hóa, với lối viết phi tuyến, đa tầng, phá vỡ cấu trúc truyền thống.

"Xã hội phát triển và vận động không ngừng, cảm hứng sáng tác văn học nghệ thuật cũng dịch chuyển rõ rệt từ các đề tài tầm vóc lịch sử, thời đại, dân tộc, quốc gia (cảm hứng sử thi) sang cảm hứng thế sự, đời tư hằng ngày, đi sâu vào thân phận, bi kịch cá nhân, những nỗi niềm riêng tư... Các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại và đương đại không còn né tránh những vấn đề, bi kịch riêng tư hay nhạy cảm. “Văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới Khám phá chiều sâu nhân bản và giá trị con người, khát khao khẳng định vẻ đẹp nhân tính, nhân bản của con người, hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ để hoàn thiện nhân cách.