Trong khi Dự thảo Luật điện ảnh sửa đổi đang làm “nóng” các diễn đàn với rất nhiều những ý kiến khác nhau, thì buổi tọa đàm trực tuyến mang tên “Ai góp ý giơ tay lên” được tổ chức hôm 26/9 vừa qua với sự tham gia của một loạt các tên tuổi trong giới đạo diễn, nhà sản xuất, phát hành phim Việt Nam cũng đã góp phần làm tăng thêm độ “nóng” cho câu chuyện đời mà không đời – phim ảnh.

Những gương mặt nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ như: đạo diễn Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Anh Hùng, Charlie Nguyễn, Nguyễn Vinh Sơn, Trần Thanh Huy, Nguyễn Hữu Tuấn, diễn viên – nhà sản xuất Hồng Ánh, nhà sản xuất Nguyễn Quang Huy, tiến sỹ luật người Nhật Bản Fushihara Hirota, nhà văn – nhà biên kịch Nguyễn Khắc Ngân Vi... đã cùng đối thoại thẳng thắn về những “góc khuất” của điện ảnh Việt thời gian qua.

Những quy định mơ hồ trong Luật Điện ảnh

Đa số các nhà làm phim đều cho rằng, hiện nay đang có quá nhiều quy định mơ hồ trong Luật Điện ảnh. Chẳng hạn như điều C – cấm tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù kỳ thị giữa các dân tộc và nhân dân các nước. Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, ở đây cần làm rõ thế nào là “gây hận thù giữa nhân dân các nước”. Anh nêu một ví dụ “cười ra nước mắt” cho thấy sự nhạy cảm quá mức của hội đồng duyệt phim.

“Bộ phim hoạt hình Minions suýt nữa không được chiếu ở Việt Nam, bởi vì trong phim đó có chi tiết các con Minions đi ăn cắp vương miện của Nữ hoàng Anh. Sau đó hội đồng duyệt cho là cảnh đó gây ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh, mặc dù đó là một bộ phim Mỹ. Và để phát hành được phim đó ở Việt Nam thì người ta phải cắt cảnh đó đi”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết.

4303_phan_gia_nhyt_linh.jpg

Một điều khác trong luật là “cấm tuyên truyền mê tín dị đoan”, nhưng thế nào là mê tín dị đoan thì lại chẳng hề có quy định rõ ràng. Một ví dụ hài hước, trong phim “Thưa mẹ con đi” có cảnh một đám giỗ xảy ra ẩu đả khiến con gà cúng bị rớt xuống đất. Dụng ý của đạo diễn để minh chứng cho sự hỗn loạn của trận đánh nhau. Thế nhưng hội đồng duyệt lại bắt bỏ chi tiết đó đi bởi cho rằng như vậy là đi ngược với truyền thống tôn giáo của dân tộc ta vì “gà cúng thì phải nằm trên bàn thờ chứ ai lại để dưới đất”!

Thêm một sự mù mờ, không rõ ràng nữa của Luật Điện ảnh nằm ở quy định “cấm tiết lộ bí mật đời tư cá nhân”. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ, anh đang làm bộ phim tiểu sử về nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, trong đó có rất nhiều nhân vật có thật, chẳng lẽ lại phải đi xin phép từng người được đề cập đến trong phim? Ở Mỹ có luật, những người nổi tiếng thì phải chấp nhận từ bỏ quyền riêng tư, những nhà làm phim có quyền làm về họ, miễn là không sử dụng hình ảnh thật về họ và không dùng tác phẩm họ tạo ra. Quy định này rất nhiều lần được hội đồng duyệt vận dụng để “bắt chẹt” các nhà làm phim.

“Tôi làm sản xuất phim ‘Tiệc trăng máu’, trong phim đó, nhân vật của anh Thái Hòa có một người bạn tên là ‘Thanh Vân’, thì các nhân vật nói đùa ‘cái này là Ngô Thanh Vân nhắn tin cho anh hả?’. Hội đồng duyệt bắt chúng tôi đi xin phép cô nữ diễn viên Ngô Thanh Vân phải đồng ý cho chúng tôi sử dụng tên đó thì mới cấp phép, mặc dù ở VN có biết bao nhiêu người tên là Ngô Thanh Vân. Trong phim đó nhắc đến Ngọc Trinh, xong cũng bắt chúng tôi phải đi xin được chữ kí của Ngọc Trinh thì mới cho chúng tôi phát hành phim. Tôi thấy những chuyện này quá vô lý”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bức xúc.

Rõ ràng, đang có sự vênh nhau rất lớn về mặt quan điểm giữa nhà làm phim và đơn vị kiểm duyệt. Nguyên tắc cơ bản của điện ảnh và nghệ thuật là hư cấu, nhưng các đơn vị kiểm duyệt ở nước ta lại khăng khăng rằng: điện ảnh phải phản ánh sự thật, dẫn đến việc nhiều bộ phim ở Việt Nam bị “quy tội” là xuyên tạc sự thật, như phát ngôn của một vị tướng công an về phim “Người phán xử” mới đây là ví dụ.

Có thể nói, quy định cấm “làm phim trái tự nhiên” đã tước đi một công cụ quan trọng của người sáng tạo, đó là đi ngược với tự nhiên để mở ra những chân trời mới trong kể chuyện (mà điều này điện ảnh thế giới không thiếu). Điều này cho thấy sự bất công trong đối xử với người làm phim trong nước, và chúng ta đã tự “xử thua” cho chính chúng ta ngay trên sân nhà.

Mịt mùng lưới kiểm duyệt

Trần Thanh Huy - đạo diễn phim “Ròm” chia sẻ trải nghiệm đau đớn của mình trong quá trình kiểm duyệt, khi bộ phim của anh từng bị hội đồng duyệt khi đó gán ghép đủ thứ tệ hại, nào là “mô tả u ám cá nhân về đời sống nhân vật, kết phim bi quan, bế tắc, không nhân văn; mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, phê phán chính trị xã hội”.

“Dù tôi biết mình bị oan nhưng ở thời điểm quyết định tôi không thể nói dù chỉ 1 chữ. Tôi đâu có đại diện cho ai để phê phán hay lên án chính trị xã hội? Còn sự liên tưởng mang ẩn ý ám chỉ, toàn bộ là góc nhìn phiến diện của hội đồng duyệt phim lúc đó mà thôi”, Trần Thanh Huy cho biết.

dao-dien-tran-thanh-huy-1.jpg

Còn nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo thì rưng rưng chia sẻ chuyện phim “Vị” (đạo diễn Lê Bảo) nhận án cấm phát hành vì “phim có nội dung dung tục”, đến mức chị và đạo diễn phim đã phải chấp nhận từ bỏ quyền sở hữu, quyền tác giả của bộ phim: “Sẽ không có 1 ai bỏ ra 7 năm cuộc đời để làm một bộ phim dung tục và sẽ không có một quỹ điện ảnh nào đầu tư cho một bộ phim như vậy. Lệnh cấm phát hành đã không hề dựa trên góc độ xem xét tính nghệ thuật của bộ phim. Lê Bảo và tôi đã phải chấp nhận từ bỏ quyền tác giả, quyền sở hữu của bộ phim để có thể cứu được ‘đứa con’ của mình”.

Tất cả những ngăn cấm mơ hồ của chiếc lưới kiểm duyệt đã đẩy các nhà làm phim nhiều thế hệ vào thế “đúng cũng không biết mình đúng cái gì? Và sai cũng không biết mình sai ở đâu?”.

Thực tế cho thấy, Hội đồng duyệt phim không chỉ đưa ra những yêu cầu phi lý, can thiệp thô bạo vào bộ phim, mà quy trình viện dẫn luật, góp ý cho các đạo diễn cũng nảy sinh nhiều vấn đề, khiến các nhà làm phim đôi khi rơi vào thế "bị bắt chẹt". Cùng chúng tôi tiếp tục câu chuyện này ở kỳ tiếp theo của loạt phóng sự với nhan đề: “Phải chăng có dấu hiệu lạm dụng quyền lực nhà nước trong công tác kiểm duyệt phim?”.