Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua ngày 29/6/2001 và được sửa đổi, bổ sung ngày 18/6/2009, tính đến nay đã hơn 20 năm ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung. Có thể khẳng định, Luật đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã đặt ra nhiều vấn đề cấp bách mà thực tiễn cần nhìn nhận, đánh giá để có thể bắt kịp với sự vận động của xã hội, của thế giới.

Trong đợt 2 của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được trình và cho ý kiến. Kỳ sửa đổi lần này rất được xã hội trông đợi sẽ khắc phục được một số hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi luật hiện hành và bổ sung những quy định cập nhật để quản lý di sản văn hóa được hợp lý và hiệu quả hơn.

Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy viên thường trực Hội đồng di sản Quốc Gia, có thể thấy rằng trong khoảng thời gian 15 năm chúng ta thực thi Luật Di sản Văn hóa sửa đổi năm 2009 đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng bắt đầu bộc lộ những tồn tại cần thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Một số những quy định của luật mang tính chung chung mà còn chưa cụ thể để có cơ chế cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản một cách cụ thể. Một số quy định cũng không còn phù hợp với thực tiễn cần phải có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đặc biệt là một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn rất cần phải điều chỉnh.

Chính vì thế, tại dự thảo Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa. Đơn cử, như khuyến khích các địa phương tập trung khai thác, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời có các cơ chế để huy động tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa.

“Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa, sửa đổi lần này đã quy định kết cấu theo hướng quy định chính sách của Nhà nước đối với hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa để bảo đảm nguồn lực cho các hoạt động này một cách tốt hơn và bổ sung, hoàn thiện những quy định có liên quan để tạo cơ chế. Hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng là những nội dung mà chúng ta quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung và rõ ràng về cơ chế khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân tham gia có hiệu quả hơn trong hoạt động này" -PGS.TS Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Với một hệ thống di sản phong phú, việc ứng dụng công nghệ số là một một trong những giải pháp để lưu trữ, quản lý và bảo tồn di sản. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc số hóa di sản là vô cùng cần thiết. Đây cũng là một trong ba chính sách Chính phủ đã thông qua trình Quốc hội.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã quy định rõ những nội dung chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Quy định về việc quản lý, khai thác, xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu vào việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên 63 tỉnh, thành phố và quy định rõ về phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử. PGS.TS Lê Thị Thu Hiền khẳng định: “Mỗi di sản văn hóa sẽ được định hình, thể hiện trên môi trường điện tử,để mỗi một người dân và du khách có thể truy cập trên môi trường điện tử. Chúng ta sẽ tiến hành số hóa về cơ sở dữ liệu, số hóa những hình ảnh về di sản văn hóa và những hiện vật bảo tàng, những di tích, những di sản văn hóa phi vật thể để quản lý, bảo vệ, lưu trữ, vận hành nhưng có thể phát triển khai thác, sử dụng di sản văn hóa trong công nghiệp sáng tạo hay quảng bá phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế xã hội”.

Những vấn đề về chính sách vinh danh, đãi ngộ cho nghệ nhân, hay câu chuyện “mở đường” cho việc mua cổ vật từ nước ngoài về nước bằng ngân sách Nhà nước cũng được cụ thể hóa hơn trong dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi. Theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đồng thời, nâng tầm và tôn vinh những giá trị của văn hóa nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.

Công tác chuẩn bị cho việc soạn thảo và sửa đổi Luật Di sản văn hóa lần này tiến hành rất công phu để có sự đánh giá tổng thể, toàn diện trong bối cảnh thực tiễn hoạt động quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa trong hơn 20 năm qua, nhưng đồng thời cũng nhìn nhận xu thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, nếu dự thảo Luật được Quốc hội thảo luận, thống nhất và thông qua tại kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XV sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội cũng như tất cả đối tượng chủ thể để bảo vệ và phát huy giá trị di sản Văn hóa.

Nước ta sở hữu một khối lượng di sản, di tích vô cùng phong phú và đồ sộ. Thế nhưng, phía sau niềm tự hào là sự lo âu, bởi nguồn lực cần thiết để có thể duy trì bảo vệ và bảo quản những di sản này vô cùng lớn. Chính vì thế, ngoài việc bảo tồn các giá trị cốt lõi, cần giải quyết một số vấn đề quan trọng khác để làm tăng sức hấp dẫn và ý nghĩa của di sản với công chúng và xã hội. Đây cũng là kỳ vọng đối với Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) lần này. Bời chỉ khi chúng ta bảo tồn di sản một cách chủ động thì công nghiệp văn hóa cùng kinh tế di sản mới thật sự trở thành động lực tăng trưởng mới của đất nước, góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 và PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại đây: