Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác chính có độ cao khoảng 70m, rộng khoảng 300m, chia thành 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, phần thác phụ của Bản Giốc nằm hoàn toàn trên phía lãnh thổ Việt Nam, còn thác chính nằm trên đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngoài việc ngắm cảnh, chụp ảnh thác Bản Giốc thì có một điểm “check-in” mà du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm nơi đây chính là cột mốc 836(2). Cột mốc 836(2) rất đặc biệt là được cắm ngay chân thác Bản Giốc. Đây là cột mốc đôi cùng số, bên ta là 836(2), đối diện qua đường biên giới trên đất Trung Quốc là 836(1) do Trung Quốc cắm. Cột mốc 836(2) là cặp mốc đôi cùng số nên hai bên mặt đều là chữ Việt Nam. Trước khi phân giới là phiên họp giữa hai nước quy định trên dòng sông cắm cột mốc đôi hoặc cột mốc 3 thì ở đây là cắm cột mốc đôi. Cột mốc này không phải cắm trên đường biên vì đường biên là trung tuyến dòng chảy chúng ta không thể cắm 1 cột mốc ở giữa dòng sông được do không đảm bảo an toàn trong quá trình quản lý. Vậy nên hai bên thống nhất dịch vào bờ của nhau, nhưng sẽ chỉ được phép đi trên dòng sông thôi và không được lên bờ của nhau.

Tựa như những dải lụa trắng nổi bật giữa màu xanh đại ngàn, những dòng nước mạnh mẽ từ thác Bản Giốc đổ xuống uốn cong như bức rèm khổng lồ đầy ngẫu hứng của thiên nhiên. Hơi nước bay lên vắt ngang sườn núi. Không xa là những cánh đồng lúa, một cảnh sắc hiện lên trước mắt mang vẻ đẹp kỳ vĩ đầy thơ mộng.

Vẻ đẹp tự nhiên kết hợp với không gian thoáng đãng, thác Bản Giốc bất kể lúc nào cũng là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đầy sức quyến rũ giữa thiên đường Đông Bắc.

Là một điểm di sản nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thác Bản Giốc là điểm đến vô cùng hấp dẫn, đem lại những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách trong và ngoài nước.

Trong mùa Thu này, nếu có dịp đi qua miền Đông Bắc Tổ quốc thì thác Bản Giốc là một trong những điểm đến mà bạn không nên bỏ qua.

Mời nghe âm thanh tại đây: