Ngày 5/11, trong khuôn khổ các hoạt động “Ngày hội văn hóa các dân tộc dưới 10.000 người lần thứ nhất năm 2023” được tổ chức tại Lai Châu, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, UBND tỉnh Lai Châu với sự trợ giúp của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm “Đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu”.
Tọa đàm thu hút các nhà quản lý, chuyên gia du lịch hàng đầu, đại diện các công ty lữ hành trên cả nước cùng nước bạn Lào, đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Dành nhiều tâm huyết cho các vấn đề phát triển du lịch Lai Châu, đề dẫn tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lai Châu trong phát triển du lịch. Hy vọng với cuộc tọa đàm này, các đại biểu sẽ thảo luận, phân tích về tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh Lai Châu, từ đó đề xuất các phương án thực hiện có tính khả quan cao, mang lại hiệu quả thực chất cho địa phương.
Lai Châu là mảnh đất ở ven trời Tây Bắc, với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, những cung đường huyền thoại như đèo Ô Quy Hồ, một trong “tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam". Cùng với đó, Lai Châu cũng sở hữu những đỉnh núi cao nhất của Việt Nam và Đông Nam Á như: đỉnh Pu Si Lung 3083m, đỉnh Pu Ta Leng 3049m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử 3046m… với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phong phú trong biển mây bồng bềnh. Lai Châu cũng đã xây dựng nhiều điểm du lịch nổi tiếng: khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng Trời, khu hang động Pusamcap, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hoá bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (đạt giải bản du lịch cộng đồng ASEAN năm 2023).
Lai Châu còn có truyền thống lịch sử - văn hoá trong suốt chiều dài phát triển của đất nước, nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia đá cổ khắc ghi bài thơ trấn giữ biên cương của Vua Lê Thái Tổ; bản sắc văn hoá phong phú, đa dang của 20 dân tộc cùng sinh sống. Hiện nay Lai Châu đang triển khai thi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu và chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên. Lai Châu có 01 cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng… Tất cả những điều này đã tạo nên cho Lai Châu một “kho tàng” tài nguyên du lịch khá đồ sộ và đặc sắc, đầy tiềm năng để phát triển du lịch trở thành một trong những trọng điểm của vùng Tây Bắc.
Tuy nhiên, đồng chí Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu nhận định: “Du lịch Lai Châu hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Nhiều chuyên gia đánh giá thực trạng du lịch của Lai Châu hiện nay là “Thừa tiềm năng, thiếu thông tin, ít sản phẩm” – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu thẳng thắn nhìn nhận.
Thực tế, lượng khách du lịch hàng năm đến Lai Châu chưa nhiều, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch còn thấp so với cả nước, chưa thu hút được thị trường khách du lịch cao cấp, sản phẩm du lịch chưa phong phú, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, cơ sở vật chất còn hạn chế, tính liên kết vùng trong phát triển du lịch chưa cao, việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng và hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư chưa hiệu quả.
“Nhận thức được những hạn chế trên, tỉnh Lai Châu đang nỗ lực cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe, trao đổi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Du lịch Lai Châu đặt mục tiêu phấn đấu sớm đưa “Lai Châu trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở khu vực Tây Bắc”, là điểm nhấn của du khách trên hành trình khám phá Tây Bắc; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, có thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam”, đồng chí Tống Thanh Hải khẳng định.
Tọa đàm “Đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Lai Châu” lần này thêm một lần nữa là dịp để nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được và gợi ý đề xuất những hướng đi mới cho du lịch Lai Châu.
Với tinh thần góp ý thẳng thắn, chân thành, nhiều chuyên gia, đại biểu đã nêu ra những ý kiến đánh giá, gợi ý, đề xuất, kiến nghị nhằm đánh thức những tiềm năng và định vị thương hiệu du lịch tỉnh Lai Châu.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Hà Nội nêu ý kiến: Ẩm thực rất quan trọng trong phát triển du lịch. Vì vậy muốn phát triển du lịch Lai Châu, chúng ta cần chú ý xây dựng và phát triển ẩm thực cổ truyền của địa phương”.
Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm nhiều năm hoạt động và dành tâm huyết với ngành du lịch, theo ông Nguyễn Mạnh Thản để du lịch Lai Châu phát triển nhanh và bền vững tỉnh cần có chiến lược và có giải pháp tích cực, đặc biệt là sự đầu tư bài bản cho phát triển du lịch, phát triển các doanh nghiệp du lịch, phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng hành lang tốt để thu hút nhà đầu tư.
“Với Lai Châu hiện nay có thể tập trung vào phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe, du lịch trải nghiệm. Để phát triển du lịch, điều quan trọng nhất là đã đến lúc Lai Châu nên thay đổi tư duy, thay đổi hành động để tạo ra những cảm xúc mới, những cảm xúc riêng có cho du khách khi đến Lai Châu” – Ông Nguyễn Mạnh Thản nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch TravelLogy nhận định: “Hiếm có một tỉnh thành nào hội tụ tất cả một chuỗi hệ sinh thái du lịch từ du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng đến phát triển du lịch bền vững và du lịch bảo vệ môi trường như Lai Châu. Lai Châu có rất nhiều các đề án để khai thác cũng như phát triển thị trường du lịch đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng việc đánh giá và xây dựng “thương hiệu điểm đến” du lịch của Lai Châu chưa rõ nét. Điều thứ hai là tất cả các kênh chuỗi cung ứng về du lịch của Lai Châu dường như chưa được khớp, dường như đang bị đứt gãy từ hệ thống về giao thông cũng như là khách sạn, nhà hàng và đặc biệt nhất là nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa đáp ứng được. Vì vậy, để du lịch Lai Châu sớm là điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, cần sớm định vị và xây dựng thương hiệu điểm đến, phân khúc thị trường và xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp cũng như có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành đến với Lai Châu”.
Ông Lê Hòa Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Hi Travel, Thành phố Hồ Minh cho rằng, Lai Châu chú trọng thêm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với phát triển vùng sâm Lai Châu; định hướng khách hàng theo hướng nghỉ dưỡng và trị bệnh hoặc thưởng thức các món ăn bổ dưỡng; không nên chú trọng riêng về du lịch tham quan, tự nhiên.
Mặt khác, đoạn đường giữa các điểm du lịch xa nhau nhưng lại không có điểm dừng nghỉ để du khách check in, chụp ảnh giới thiệu về Lai Châu; nhiều điểm du lịch chưa thể hiện sự an toàn cho khách, giao thông đi đến các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng còn khó khăn, vì vậy tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Mặt khác, Lai Châu cần giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà mang đậm bản sắc dân tộc và nhân rộng cách làm du lịch của người dân bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ.
Nhằm phát triển du lịch trong thời gian tới, Lai Châu cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để nhiều khách du lịch biết đến; cần thay đổi hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng cách tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo; thay đổi tư duy tiếp cận khách hàng. Mặt khác, tỉnh cũng cần có sự liên kết tuyến giao thông, liên kết các giá trị văn hóa với các địa bàn lân cận để tạo các sản phẩm du lịch ấn tượng với du khách.
Với tinh thần lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đa chiều, Lai Châu cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ và chia sẻ cùng các doanh nghiệp lữ hành, du khách với mong muốn lớn nhất để ngành du lịch Lai Châu có những đột phá; sớm đạt được mục tiêu đưa sản phẩm du lịch Lai Châu kết nối với chuỗi sản phẩm du lịch tại khu vực Tây Bắc, giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên - văn hoá - con người Lai Châu đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.