Ngày 24/11, tại Hà Nội, Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng sự đồng hành của Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) tổ chức Hội thảo “Nông thôn Việt Nam - truyền thống và hiện đại”. Đây là một trong những hoạt động khoa học quan trọng hướng tới Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Sử học và cũng là kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu của Viện Sử học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng), Đại học Vinh, một số học giả Hàn Quốc…
Với 38 tham luận của các tác giả là các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, nông thôn Việt Nam mà đơn vị trung tâm là thôn, làng hiện lên xuyên suốt các thời kỳ lịch sử Việt Nam. Với những góc nhìn đa chiều cùng sự nghiên cứu chuyên sâu khoa học, các tham luận đề cập đến những đặc trưng truyền thống của nông thôn, những thách thức đối với truyền thống và những chuyển biến ở nông thôn trong nhiều thời điểm lịch sử khác nhau, bao quát toàn bộ không gian nông thôn ba miền Bắc, Trung, Nam.
Nội dung các bài tham luận khái quát 5 chủ đề nổi bật như sự hình thành làng xã - tổ chức xã hội và tổ chức quản lý xã thôn, chính sách của Nhà nước đối với nông thôn, tổ chức sản xuất và đặc trưng kinh tế nông thôn, tổ chức an ninh và vai trò của xã thôn trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và văn hóa xã hội, giáo dục ở nông thôn từ truyền thống đến hiện đại.
Các tham luận đều nhất quán rằng, trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam ta, nông thôn mà trung tâm là thôn, làng là cội nguồn của nền văn hóa dân tộc. Trong quá khứ, chữ “làng” và chữ “nước” không thể tách rời. Ở nước ta, đô thị hình thành rất muộn và rất nhiều thành phố ra đời từ cội nguồn thôn dã. Chính vì vậy, nếu nói rằng có văn hóa thành thị ở Việt Nam thì văn hóa ấy cũng phần nhiều bắt nguồn từ văn hóa làng, là sự phát huy, dung nạp và cộng sinh giữa văn hóa làng với quá trình kiến tạo, hình thành đô thị. Do đó, có thể nói, căn cốt văn hóa Việt Nam thực chất vẫn là văn hóa làng.
Trong tham luận “Vài nét về làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ và vai trò của nó trong tiến trình lịch sử cổ trung đại Việt Nam” PGS.TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học cho rằng, từ thời Hùng Vương, người Việt đã sống với nhau thành xóm làng, gắn bó, ràng buộc với nhau bởi quan hệ huyết thống và quan hệ láng giềng, cùng nhau làm ăn, đánh giặc và bảo vệ xóm làng. Làng là pháo đài trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, làng là nơi bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống, làng là một “lựa chọn” và là một hiện tượng lịch sử.
Dù có những tác động nhất định trong một số giai đoạn lịch sử, đặc biệt là giai đoạn thuộc địa từ 1858 đến 1945, thực dân Pháp đã đặt bộ máy thống trị theo mô hình trực trị với ý đồ can thiệp vào đời sống nông thôn Việt Nam. Ý đồ đó được triển khai qua các cuộc cải cách “cải lương hưng chính” nhưng tính tự trị ở các đơn vị thôn, làng Việt Nam vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng bày tỏ những lo ngại khi ở thời hiện đại ngày nay, các nền tảng kinh tế - xã hội thay đổi sâu sắc đã làm cho hệ thống các giá trị văn hóa thôn, làng đứng trước nguy cơ phai nhạt. Các nghiên cứu cũng cho thấy sự biến đổi về phong tục tập quán ở các làng xã đồng bằng Bắc bộ, khu vực Nam bộ…. Có một thực tế là một số giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong làng quê Việt đang nhạt phai dần theo thời gian, phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn, phát huy, phát triển. Làng quê chúng ta qua mỗi ngày như thêm mất dần phong vị.
GS.TS NGND Nguyễn Văn Khánh cho rằng, khi nghiên cứu các vấn đề về nông thông Việt Nam cần phải gắn liền với các vấn đề hiện nay. Chúng ta đã có rất nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhưng cũng có một điều đáng lo ngại là việc tách nhập các đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị thôn, làng ít nhiều có sự mai một về văn hóa. “Có nhiều đơn vị thôn, làng được hình nhiều thế kỷ rồi, có những tập quán, phong tục riêng và chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Vấn đề đặt ra là đối với những thôn, làng, đơn vị tụ cư đã có quá trình phát triển lâu dài như vậy, đã có những tập quán, văn hóa riêng mà nếu cứ lấy tiêu chí hiện đại (số dân, diện tích) để áp dụng liệu có phù hợp? Nhiều làng, thôn sau sáp nhập bị mất tên làng, liệu có làm mai một văn hóa truyền thống cốt lõi?”- GS.TS NGND Nguyễn Văn Khánh bày tỏ sự lo ngại.
Hội thảo “Nông thôn Việt Nam truyền thống và hiện đại” góp phần nhận diện tính hiện đại trong tổ chức quản lý, hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hoá ở nông thôn Việt Nam. Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, những “ngưng đọng tiêu cực” của văn hóa nông thôn Việt, nhưng tựu chung những tồn tại ấy chiếm số ít so với những ưu việt. Thời hiện đại với những biến động, văn hóa thôn, làng đứng trước nguy cơ mai một, phai nhạt. Nhận diện rõ tính đa chiều của văn hóa thôn, làng và những thách thức trong quá trình hội nhập sẽ có ý nghĩa tích cực trong tiến trình xây dựng nông thôn mới và sự phát triển bền vững của đất nước.