Mới đây, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có văn bản thông báo sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn trong tháng 7 với chủ đề “Làng với tuổi thơ”. Theo đó, từ ngày 1/7- 31/7/2022, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động thiết thực, bổ ích, ý nghĩa hướng về chủ đề “Làng với tuổi thơ”. Trong đó có nhiều trải nghiệm cho thiếu nhi với nét văn hoá truyền thống các dân tộc.

Cùng với các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc: chơi ô ăn quan, đánh chắt, ném pao, đánh yến, đánh tu lu của dân tộc Mông, tó má lẹ của dân tộc Thái, đi cà kheo, đánh quay, kéo co…. thì hoạt động nổi bật tại Làng trong tháng 7 là tổ chức không gian đọc sách, truyện cho thiếu nhi và du khách. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào “chống rác thải nhựa” từ cảm hứng các tác phẩm được giải năm 2019 và cùng nhau giữ gìn môi trường xanh tại “ngôi nhà chung”, đẩy mạnh phong trào “làng bản văn hóa xanh - sạch - đẹp”.

Đặc biệt, đến với Làng VHDL các DTVN trong tháng 7 này, các thiếu nhi sẽ được tham dự vẽ tranh và học vẽ cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của hoạ sĩ Lê Việt Hải. Những bạn nhỏ có năng khiếu và yêu thích vẽ tranh sẽ cùng tham gia vẽ các bức tranh với chủ đề: “Em yêu làng em”, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, phong cảnh làng quê Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam qua những tác phẩm của mình.

Một hoạt động quan trọng trong tháng 7 này tại Làng VHDL các DTVN là tái hiện “Lễ dâng y tắm mưa” hay còn gọi là “Lễ nhập hạ” mong cầu một mùa an cư bình an tại chùa Khmer. Đây là nghi thức có từ thời Đức Phật còn tại thế, trước khi Chư tăng nhập hạ an cư trong 3 tháng mùa mưa được phép thọ nhận “Y tắm mưa” để sử dụng trong thời gian ở hạ. Vào ngày lễ này, các gia đình phật tử tập trung tại chùa dâng cúng đến chư tăng các vật dụng cần thiết và lễ vật không thể thiếu là những cây đèn cầy to.

Ngoài ra, tại đây, du khách được tìm hiểu về kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, lễ hội... cùng với đó là các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống, giao lưu văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc. Du khách được hòa mình trong điệu hát ay ray, cồng chiêng Tây Nguyên, điệu múa chuông, múa xoè… Du khách còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu của dân tộc Mường; mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao của dân tộc Ê Đê; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu của dân tộc Thái...

Hoạt động tháng 7 với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 14 dân tộc: Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Xơ Đăng, Cơ Tu, Gia Rai, Ê Đê, Khmer, Raglai với sự tham gia của 13 địa phương (trong đó dự kiến nhóm đồng bào dân tộc Gia Rai (Gia Lai) và nhóm đồng bào dân tộc Raglai (Ninh Thuận) tham gia hoạt động hàng ngày tại Làng, tổ chức nghi thức, lễ hội truyền thống của dân tộc, địa phương theo tình hình thực tế, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Ninh Thuận).

Đến mỗi điểm làng là một hoạt động trải nghiệm, tương tác cùng du khách để tạo nên những sản phẩm trải nghiệm. Du khách sẽ cùng với đồng bào các dân tộc, chủ thể văn hóa tham gia vào quá trình tạo sản phẩm, nghe chính đồng bào kể chuyện, hướng dẫn, thao tác, để cùng nhau làm và có quà mang về cho gia đình. Trong quá trình cùng tạo nên những sản phẩm đó cùng nghe kể về đời sống văn hoa, những câu chuyện gắn với cộng đồng dân tộc để du khách hiểu hơn về giá trị truyền thống các tộc người cũng như giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, khát khao tìm hiểu, trải nghiệm của các bạn nhỏ.