Tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 1924 chàng thanh niên Lê Hồng Phong và một số thanh niên yêu nước khác sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm đường cứu nước cứu dân. Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập. Cùng với các đồng chí khác, Lê Hồng Phong đã được Nguyễn Ái Quốc đào tạo để trở thành cán bộ cốt cán, một trong những hạt giống đỏ của cách mạng Việt Nam. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời của Lê Hồng Phong. Vì từ đây, đồng chí bắt đầu sự nghiệp của một nhà cách mạng chuyên nghiệp dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chị Nguyễn Thị Sâm Cán bộ Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Đồng chí Lê Hồng Phong đã tham gia những công cuộc nam chinh, đông thảo, bắc phạt do chính quyền cách mạng Quảng Châu sử dụng lực lượng học viên của trường quân sự Hoàng Phố. Do có nhiều đóng góp tích cực đối với cách mạng Trung Quốc nên năm 1926 đồng chí Lê Hồng Phong cũng được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc. Sang Liên Xô, đồng chí cũng tham gia khóa học đào tạo phi công, tham gia học tại trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô. Vì thế, đồng chí Lê Hồng Phong được gọi là người chiến sĩ cộng sản quốc tế.

Cuối năm 1932, đồng chí Lê Hồng Phong trở về nước và bắt tay khôi phục lại tổ chức đảng trong cả nước, khôi phục các cơ sở cách mạng và khơi dậy niềm tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng. Tháng 3/1934, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, hội nghị thành lập ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được tiến hành. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, với vai trò là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đã tham gia củng cổ hệ thống tổ chức Đảng và khôi phục phong trào cách mạng sau khi địch khủng bố trắng. Sự kiện tháng 3/1934 khi hầu hết ban chấp hành trung ương ở trong nước bị bắt thì Đảng ta quyết định thành lập ban chỉ huy ở ngoài của Đảng, có 3 người, do đồng chí Lê Hồng phong phụ trách, đồng chí Hà Huy Tập và đồng chí Phùng Chí Kiên là thành viên. Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng chỉ có 3 người nhưng làm chức năng như một ban chấp hành trung ương, nhưng ở bên ngoài chứ không phải ở trong nước. Và đồng chí Lê Hồng Phong chính là người thực hiện Luận cương chính trị đã được thông qua vào tháng 10/1930 của đồng chí Trần Phú.

Năm 1935, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng ta đi dự đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp tại Matxcova (Liên Xô). Tại đại hội, Đảng ta được công nhận là chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư (từ tháng 3/1935 – 7/1936), đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần quyết định thành lập Mặt trận thống nhất Nhân dân Phản đế Đông Dương. PGS.TS Lịch sử Hà Minh Hồng cho biết: Ở cương vị là tổng bí thư và cương vị ủy viên ban chấp hành quốc tế cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong đã tỏ rõ được quan điểm của một người cộng sản ở quốc gia thuộc địa, đứng lên công khai nói về quan điểm cách mạng ở một nước thuộc địa, đề cao cách mạng dân tộc ở các thuộc địa, đề cao lực lượng nhân dân và các thành phần ở trong các dân tộc của thuộc địa để đấu tranh cho lý tưởng cộng sản. Đây là một trong những vấn đề rất mới ở thời điểm những năm 30 của thế kỷ 20. Khi những vấn đề quốc tế, những vấn đề cộng sản, những vấn đề dân tộc đang được tranh cãi rất nhiều thì quan điểm đứng về dân tộc, đứng về tư tưởng dân tộc, đề cao tinh thần dân tộc, giải phóng dân tộc là một trong những vấn đề rất mới.

Với những cống hiến không mệt mỏi, đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần quan trọng đưa Đảng ta từ giai đoạn khó khăn, tổn thất nặng nề trở lại vai trò lãnh đạo. Hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở tới trung ương đã dần dần được khôi phục, tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển của cao trào cách mạng cả nước ở giai đoạn sau.

Tháng 6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ nhất tại Chợ Lớn và kết án 6 tháng tù giam. Tháng1/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Chị Nguyễn Thị Sâm, Cán bộ Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: Dù bị tra tấn, hành hạ rất dã man, đồng chí Lê Hồng vẫn nêu cao chí khí cách mạng, tích cực vận động và chỉ đạo anh em đấu tranh chống địch đánh đập, chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù. Khi bị đày ra nhà tù Côn Đảo, đồng chí phải chịu một chế độ giam cầm rất khắc nghiệt vì thực dân Pháp muốn tiêu diệt đồng chí. Ngày 6/9/1942 đồng chí Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng tại xà lim số 5, nhà tù Côn Đảo. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhắn lại: "Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới 40 tuổi, cả cuộc đời của đồng chí đều dành hết cho Đảng, cho dân tộc. Từ lúc trưởng thành cho đến giờ phút hy sinh oanh liệt tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong đã luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích riêng tư và hạnh phúc gia đình.