Phát biểu tại Lễ bế mạc, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) Vi Kiến Thành cho biết, sau 5 ngày tổ chức từ 8 – 12/11, HANIFF VI đã ghi dấu ấn đậm nét với các nghệ sĩ điện ảnh Quốc tế và Việt Nam, tạo nên bầu không khí nồng nhiệt dành cho khán giả Thủ đô Hà Nội.

“Với chủ đề Điện ảnh – Nhân văn – Thích ứng và Phát triển, HANIFF VI đã trở thành sự kiện điện ảnh đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam và quốc tế đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. LHP đã thể hiện được sự uy tín, thương hiệu của HANIFF mà điện ảnh Việt Nam sáng lập từ năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Sau 6 kỳ tổ chức, HANIFF VI khẳng định là một LHP trẻ, tràn đầy sức sống, năng động. Đồng thời, sự kiện đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để khâu tổ chức diễn ra ngày càng chuyên nghiệp, góp phần quảng bá điện ảnh Việt Nam và đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả Việt Nam. Qua mỗi kỳ tổ chức, HANIFF dần khẳng định được vị trí trong quá trình phát triển của điện ảnh Việt Nam. Quy mô và hình thức dần được hoàn thiện, tạo được dấu ấn riêng của một LHP được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Với HANIFF VI, Bộ VH-TT&DL và UBND TP. Hà Nội đã cố gắng tổ chức thành công một sự kiện điện ảnh trang trong có quy mô quốc tế. Hơn 800 đại biểu Việt Nam và quốc tế đã đến tham dự. 123 bộ phim của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ được trình chiếu trong 5 ngày diễn ra LHP. Nhiều hoạt động khác cũng đã diễn ra như hội thảo, triển lãm, chợ dự án sản xuất phim, chiếu phim ngoài trời, giao lưu nghệ sĩ và đoàn làm phim với khán giả, tham quan Hà Nội, thưởng thức quan họ Kinh Bắc…

BTC liên hoan phim ý thức sâu sắc trách nhiệm của quốc gia chủ nhà trong tổ chức sự kiện: đảm bảo tổ chức thành công LHP nhưng vẫn tuân thủ nghiêm quy định về an toàn, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo cảnh quan xanh, sạch đẹp của Thủ đô Hà Nội thân thiện, mến khách, thành phố được UNESCO vinh danh là thành phố sáng tạo. Những nỗ lực ấy đã góp phần tạo nên sắc màu rực rỡ, không khí tươi trẻ và đổi mới của Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam.

Giải Phim dài xuất sắc nhất đã được trao cho phim "Paloma" (đạo diễn Marcelo Gomes) của điện ảnh Brazil. Bộ phim có thời lượng 104 phút, kể về nhân vật Paloma quyết định thực hiện ước mơ mà cô đã ấp ủ bấy lâu, tổ chức đám cưới truyền thống trong nhà thờ với Zé – bạn trai của mình. Cô là một người mẹ tận tụy, một công nhân chăm chỉ làm việc tại nông trường trồng đu đủ và đã tiết kiệm được một số tiến để trang trải cho đám cưới. Việc vị linh mục từ chối làm đám cưới cho cô và Zé đã khiến Paloma phải đương đầu với định kiến xã hội. Cô phải chịu đựng bạo lực, sự phản bội, định kiến và bất công nhưng không gì lay chuyển được niềm tin và sự quyết tâm của người phụ nữ chuyển giới này.

Đại diện Việt Nam duy nhất ở thể loại phim dài - "Hoa nhài" của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh - được ban tổ chức tặng bằng khen vì có nội dung đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Cũng ở hạng mục phim dài, Giải đạo diễn phim dài xuất sắc nhất đã được trao cho đạo diễn Hamid Reza Ghobani (bộ phim "Bone Marrow" của Iran). Giải thưởng của BGK dành cho phim dài đã xướng tên bộ phim "Woman on the roof" (đạo diễn Anna Jadowska, điện ảnh Ba Lan và Thuỵ Điển), Giải diễn viên nam chính phim dài xuất sắc nhất đã dành cho các diễn viên Mahendra Perera, Priyantha Sirikumara, Hemal Ranasinghe, Darshan Dharamaraj, Ashan Dias, Suran Dissanayaka, Dasun Patirana (phim Maariya – Angel of the Ocean, Sri Lanka). Giải diễn viên nữ chính phim dài xuất sắc nhất thuộc về Kiki Sena (phim Paloma, Brazil).

Ở hạng mục phim ngắn dự thi, chủ nhân của Giải Phim ngắn xuất sắc nhất đã thuộc về bộ phim "Khu rừng của Páo" (đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt, điện ảnh Việt Nam).

Đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt cảm ơn ban tổ chức cho anh có cơ hội giới thiệu phim với khán giả trong nước, quốc tế. "Tác phẩm kể về Páo, một cậu bé H'Mông, kết hôn theo hủ tục năm 14 tuổi. 18 tuổi, Páo lần đầu biết yêu, liên tục lạc giữa hai lựa chọn: tình yêu cá nhân và trách nhiệm gia đình. Đây cũng là câu chuyện của bạn thân em - Phá - nam chính trong phim. Xin gửi lời cảm ơn đến những người đã cùng em làm nên bộ phim", đạo diễn Thành Đạt nói.

Với Chợ Dự án HANIFF VI, Giải Nhất Chợ Dự án phim dành cho đạo diễn Đỗ Thanh Sơn với dự án "Chúa đất". Giải của BGK Chợ Dự án phim đã được trao cho dự án "Chachacha" (đạo diễn Đỗ Quốc Trung).

Giải phụ Phim Việt Nam được khán giả yêu thích trong Chương trình Toàn cảnh phim Việt Nam đương đại được trao cho "Bố già".

Các giải thưởng chính của HANIFF VI

Phim xuất sắc: Paloma (Brazil)

Giải của ban giám khảo: Người phụ nữ trên tầng áp mái (Ba Lan, Thụy Điển)

Nam diễn viên xuất sắc: Mahendra Perera, Priyantha Sirikumara, Hemal Ranasinghe, Darshan Dharamaraj, Ashan Dias, Suran Dissanayaka, Dasun Patirana (Maariya, Sri Lanka)

Nữ diễn viên xuất sắc: Kiki Sena (Paloma, Brazil)

Đạo diễn xuất sắc: Hamid Reza Ghorbani (Ghép tủy, Iran)

Phim ngắn xuất sắc: Khu rừng của Páo (Việt Nam)

Đạo diễn phim ngắn xuất sắc: Surya Shahi (Những bánh xe buýt, Nepal)