Năm 2020, ngành Du lịch Việt Nam chịu tác động mạnh do dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 50%, ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 530 nghìn tỷ đồng tương đương 23 tỷ USD.

Khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

Tại Diễn đàn "Lữ hành Việt Nam 2021: Giải pháp khôi phục và phát triển", ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch.

"Sự ưu việt của thương mại điện tử, của nền kinh tế chia sẻ vốn chưa thực sự đi vào cuộc sống thì nay đã trở thành yếu tố bắt buộc đối với nền kinh tế. Là ngành nhạy cảm với xã hội, Du lịch phải triển khai nhanh công tác chuyển đổi số, ứng dụng nhanh các công nghệ hiện đại vào kinh doanh, làm sao khôi phục và phát triển Du lịch trong bối cảnh vẫn thực hiện phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho xã hội nhưng sẵn sàng triển khai nhanh nhất các kế hoạch khi điều kiện cho phép".

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vietnam Travelmart, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và làm thay đổi mọi khía cạnh liên quan đến hoạt động du lịch, từ tâm lý cho đến xu hướng đi du lịch của khách. Do đó, ngành du lịch nước nhà cũng cần phải đổi mới phương thức kinh doanh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, đồng thời khi xây dựng sản phẩm cần chú trọng đến chất lượng, tăng trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Nhận định du lịch nội địa tiếp tục là thị trường du lịch chủ đạo trong hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành năm 2021, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Flamingo Redtour cho rằng, khi chưa thể đón khách quốc tế thì mục tiêu của các doanh nghiệp du lịch chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, nhưng lúc này du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu mà quan trọng hơn là sản phẩm cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị, từ đó kích thích nhu cầu du lịch của khách hàng.

Bên cạnh đó, cần làm mới các điểm đến cũ, bổ sung thêm những dịch vụ gia tăng để thu hút khách chi tiêu quay trở lại nhiều lần.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong lĩnh vực du lịch, lữ hành là mảng gặp khó khăn nhất. Bình quân mỗi ngày, Tổng cục Du lịch ký thu hồi 15 giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế. Do đó, đây là thời điểm doanh nghiệp lữ hành tái cấu trúc lại để tồn tại và hoạt động hiệu quả hơn; trong đó có việc định vị lại thị trường, cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ để có nguồn khách.

Và hiện vẫn chưa biết khi nào có thể "mở bầu trời" trở lại để đón khách nước ngoài nên các doanh nghiệp phải tập trung vào du lịch nội địa, đặc biệt cần định hình cụ thể về từng phân khúc thị trường để đưa ra những sản phẩm phù hợp, nhất là trong xu thế khách đang chuyển hướng đi theo nhóm, theo gia đình.

Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác giữa:

Hiệp hội Du lịch Việt Nam và UBND huyện Cát Hải;

Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Hải Phòng;

Liên minh kích cầu du lịch toàn quốc và Flamingo Holdings

Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam và Flamingo Holdings.