Đây là một trong những nội dung được đưa ra thảo luận trong Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số diễn ra từ ngày 17-21/6 tại Hà Nội do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ VHTTDL Hàn Quốc tổ chức với sự tham gia của đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tương đối đồng bộ, là công cụ hữu hiệu giúp cho công tác quản lý, thực thi hiệu quả hơn. Các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan về cơ bản đã đi vào cuộc sống, đóng vai trò tích cực thúc đẩy sáng tạo văn học, nghệ thuật và khoa học, bảo vệ lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng. Các quyền nhân thân và tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan được tôn trọng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được chú trọng triển khai. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức/cá nhân có bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua thái độ ứng xử văn minh, tôn trọng đối với một loại tài sản đặc biệt của nhân loại - tài sản trí tuệ.

Các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được hình thành từ Trung ương đến địa phương từng bước đưa pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được thi hành trong đời sống. Các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã từng bước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nhà nước Việt Nam quản lý về quyền tác giả, quyền liên quan. Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 (và các Nghị định, Thông tư liên quan gồm: Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; 02 Nghị định: số 21/2015/NĐ-CP và số 18/2014/NĐ-CP về nhuận bút, thù lao; Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan).

Việt Nam cũng có Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự (Điều 225: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan) và các Luật, Nghị định chuyên ngành khác có điều khoản quy định về quyền tác giả, quyền liên quan (Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Xuất bản, Báo chí, công nghệ thông tin, an ninh mạng …).

Tuy nhiên, Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi, nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số ở Việt Nam vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp:

"Vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau; Công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới"- bà Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ.

Bên cạnh đó, còn khó xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố nước ngoài. Vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ của cá nhân, tổ chức về vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vẫn còn nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Nguyên nhân là do vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ của cá nhân, tổ chức về vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vẫn còn nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Ngoài ra, việc xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa; việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa hiệu quả...

Hiện nay tỷ lệ vi phạm bản quyền trên môi trường số của Việt Nam tương đối cao, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đặc thù yếu tố môi trường số là không gian xuyên biên giới nên khó xác định các chủ thể và hành vi vi phạm. Trong khi đó, bộ máy thực thi của Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến khó xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường số. PGS.TS Trần Văn Nam, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết.

"Lần đầu tiên Việt Nam đã truy cứu 1 vụ hình sự về thực thi quyền tác giả trên môi trường số và có liên quan đến chương trình phát sóng, Tòa án xét xử và đã có bản án sơ thẩm. Đây là mức hình phạt răn đe cao nhất đối với vi phạm thực thi bản quyền trên môi trường số hiện nay tại Việt Nam. Việc vi phạm bản quyền ở Việt Nam vẫn còn phổ biến nhưng khi xảy ra tranh chấp, hầu hết các vụ việc đều được giải quyết bằng xử phạt hành chính chứ ít có vụ việc được đưa ra tòa. Tòa án cần đóng vai trò tích cực hơn trong bảo vệ luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam" - PGS.TS Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Trước thực tế này, Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm thực thi bản quyền có hiệu quả. Trong đó, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, hướng tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập; Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong nước và quốc tế; Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số; Cần có các chính sách tổng thể để tạo thị trường, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam có thế mạnh...