Đây là hoạt động thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với một số ban, ngành trung ương và các địa phương tổ chức. Năm nay ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ Quốc" sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 14-16/2/2025 (tức ngày 17,18,19 tháng Giêng âm lịch). Ngày hội có sự tham dự của gần 200 đồng bào thuộc 28 cộng đồng dân tộc ở 14 địa phương như: Nùng, Tày (Thái Nguyên); Dao (thành phố Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Lào, Thái, Khơ Mú (Sơn La); Thái (Thanh Hóa); Tà Ôi, Cơ Tu (Huế); Ba Na, Gia Rai (Gia Lai); Xơ Đăng (Kon Tum); Chăm Bà-la-môn, Raglai (Ninh Thuận); Ê Đê (Đắk Lắk), Khmer (Sóc Trăng)…

Ngày hội năm nay có hai nhóm hoạt động chính: Chương trình bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Ất Tỵ, mừng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - lãnh đạo Đảng, nhà nước chúc Tết đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là hưởng ứng Tết trồng cây - Đời đời nhớ ơn Bác Hồ của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng với chủ đề “mỗi người trồng một cây xanh”.

Nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" sẽ tái hiện nhiều nghi thức, lễ hội truyền thống, trình diễn di sản đặc sắc như: Nghi thức mở cửa tháp đầu năm mới của dân tộc Chăm; Lễ ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai (Ninh Thuận); Lễ hội Khai hạ và giới thiệu trình diễn Lịch Tre - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mường (Hòa Bình); Giới thiệu trích đoạn nghi thức: hát múa ăn mừng dưới cây bông (kin chiêng booc mạy) của dân tộc Thái (Thanh Hóa)...

Thông qua việc tái hiện, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, người dân, du khách có cơ hội hiểu thêm về những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống trong hoạt động đón Tết vui xuân đặc trưng đã có từ ngàn đời nay. Đồng thời góp phần nâng cao sự cố kết cộng đồng, hỗ trợ nhau cùng phát triển, qua đó giáo dục các thế hệ người Việt Nam ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Cùng với đó trong tháng 2 vẫn diễn ra các hoạt động của các nhóm nghệ nhân đang hoạt động hàng ngày và cuối tuần tại Làng như: giới thiệu ẩm thực, các món ăn ngày Tết: bánh chưng, bánh tét, xôi nếp nương, gà quay, lợn quay, lạp sườn, rượu cần... giới thiệu chương trình dân ca, dân vũ, dân nhạc về mùa xuân, ca ngợi quê hương đất nước, về Đảng, về Bác; hoạt động trò chơi dân gian “Hội xuân”: nhảy sạp, đi cà kheo, đánh đu... giao lưu tại không gian các nhà dân tộc phía Bắc: Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú cùng các dân tộc Tây Nguyên, Nam Bộ cộng hưởng tạo không khí vui tươi, phấn khởi.