Sự kiện nhằm hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), với thông điệp toàn cầu “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”.
Theo đó, Cục Bản quyền tác giả thông tin, điểm nhấn của chuỗi hoạt động tuyên truyền là 2 sự kiện diễn ra ngày 20/4 tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự kiện thứ nhất là Chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạc, với Chủ đề “Sở hữu trí tuệ và Âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” (tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), nhằm tôn vinh sáng tạo âm nhạc cũng như lan toả thông điệp Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố sáng tạo nghệ thuật.

Tại sự kiện có hoạt động giao lưu với các nghệ sĩ, nhạc sĩ, khách mời tên tuổi trong lĩnh vực âm nhạc để chia sẻ về cách thức vượt qua những thách thức nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân; những suy nghĩ, góc nhìn sâu sắc về trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ; chương trình nghệ thuật biểu diễn ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng, ca khúc mang thông điệp rõ ràng về giá trị và ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tác giả; biểu diễn các ca khúc mới viết về thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 - 30/04/2025).
Sự kiện thứ hai là Chương trình Tọa đàm về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc với chủ đề “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc”.
Đây là diễn đàn để đối thoại, nắm bắt tình hình, thực trạng tổ chức các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam và nước ngoài; phương hướng phát triển; những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, trong quá trình các tổ chức, cá nhân thực hiện các sự kiện âm nhạc; định hướng phát triển các sự kiện âm nhạc quy mô lớn ở trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới...
Trong kỷ nguyên số và sự lan tỏa của công nghệ AI, âm nhạc cần được bảo vệ bằng công cụ pháp lý hiệu quả để đảm bảo giá trị gốc của sáng tạo không bị mai một. Hệ thống sở hữu trí tuệ chính là cây cầu kết nối người sáng tạo – người sử dụng – nhà đầu tư, góp phần hình thành một hệ sinh thái âm nhạc công bằng, phát triển và bền vững.
“Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ” – lắng nghe tiếng nói của người nghệ sĩ để cùng chung tay kiến tạo một môi trường âm nhạc công bằng, nhân văn và giàu bản sắc.